Chuyện bi hài ở những căn nhà siêu số tại Sài Gòn

“Nhìn cái số nhà mắc cười lắm, chưa bao giờ nhớ được. Tôi về đây sống với con cái được hai năm, đi đâu cũng phải ghi cái địa chỉ nhà bỏ vô túi. Ngại nhất là mình có tuổi, đi đứng lụm cụm, móc vô móc ra, lỡ rớt mất tờ giấy chắc chỉ biết chờ con cháu tới đón về…”, một người dân khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, TPHCM chia sẻ.
Có thể tổ chức cuôc thi “nhớ”… số nhà?!.

Bà Nguyễn Kim Nga (67 tuổi), ngụ số nhà 1806/127/2/6/15/48/5, đường Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè chia sẻ: “Nhìn cái số nhà mắc cười lắm, chưa bao giờ nhớ được. Tôi về đây sống với con cái được hai năm, đi đâu cũng phải ghi cái địa chỉ nhà bỏ vô túi. Ngại nhất là mình có tuổi, đi đứng lụm cụm, móc vô móc ra, lỡ rớt mất tờ giấy chắc chỉ biết chờ con cháu tới đón về…”.


Bà Nga cho biết, bưu phẩm thường gửi về bưu điện, rồi nhân viên bưu điện gọi đến rồi bà ra nhận, ít khi cung cấp thông tin giao tận nhà vì sợ nhầm địa chỉ. Các hộ ở đây đều chịu chung một cảnh, người thân lần đầu ghé thăm là phải ra đầu đường dẫn vào. Một người dân cười và nói: “Vậy đi, chứ để đi lạc, kiếm còn mệt hơn…”.

Đứng tại dãy nhà này, phóng viên thực sự hoa mắt với số nhà dài hơn cả số... chứng minh thư gắn trước cửa. Móc điện thoại gọi tổng đài dịch vụ taxi, cô điện thoại viên cũng khá vất vả khi ghi lại địa chỉ phóng viên cung cấp. Khoảng 5 phút sau, một tài xế taxi dùng số máy di động gọi lại và báo xe đã vào khu vực đón khách.

Tiếp xúc với tài xế, chúng tôi hỏi: “Sao anh có thể vào đây nhanh vậy?”. Tài xế cười, đáp: “Lần từ từ vô anh. Nói thật, tui chạy xe ở đây lâu rồi, biết khu hết, nói địa chỉ là định hình được ngay. Tài xế lạ lại đây là bó tay…”.

Đó là câu chuyện của những ngôi nhà có số mới, còn những ngôi nhà chưa đổi số cũng có nhiều câu chuyện “bi hài”. Cách con hẻm 1806 không xa, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hoàng Liên Sơn, ngụ số 286/64/39A (hẻm mới số 1886) cũng đang gặp không ít khó khăn khi số nhà “nhập nhằng”.

“Mình đợi khi nào ổn định chuyện số nhà rồi mình đi làm lại cái biển số nhà. Chứ giờ làm lại, mai mốt lại đổi thì mệt lắm…” - anh Sơn chia sẻ.

Mặc dù con hẻm đã được đổi thành hẻm 1886, nhưng hộ anh Sơn vẫn chưa thay đổi biển cũ vì sợ phải mất công làm lại nhiều lần.

Có một chuyện vui khác là ngay phía sau nhà anh Sơn có một hộ khác có số nhà giống hệt. Khi có bưu phẩm chuyển về đây, nhân viên thường giao nhầm nhà. Anh hàng xóm biết nhận bưu phẩm không phải của mình thường mang sang nhà anh Sơn trả lại. Chính vì vậy, anh Sơn và hàng xóm thường có giao dịch “bất đắc dĩ”.

Anh Sơn kể, lúc trước khu này có hỏa hoạn, công an khu vực và dân phố phải tổ chức chạy ra dẫn xe chữa cháy vào.

Anh Sơn đang đứng trước căn nhà có số “y chang” nhà mình.
Hai nhà cạnh nhau mà có số nhà khác hẳn nhau về... độ khó.
Số nhà phức tạp hơn số chứng minh thư.
Một số người dân cho rằng để số nhà bớt rối thì nên phân khu vực, đặt tên từng khu, từng lô… thì sẽ dễ định vị hơn và số nhà cũng đơn giản hơn. Anh Sơn, bà Nga… và những gia đình khác đang rất mong cơ quan chức năng quy hoạch lại số nhà một cách dễ nhớ để không còn xảy ra những chuyện “bi hài”.
Theo Theo Dân Trí