Mối nguy đuối nước và xâm hại trẻ em
Mới bước vào đầu kỳ nghỉ hè, nhưng cả nước liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước tập thể thương tâm. Trong 1 tuần qua, chỉ riêng tại Quảng Bình đã xảy ra 4 vụ đuối nước làm 9 học sinh tử vong. Ngày 30/5, 5 em nhỏ tại Yên Thành (Nghệ An) tử vong do đuối nước. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, chỉ 4 tháng đầu năm 2019 đã có 133 em tử vong do đuối nước. Còn từ 2015 đến 2018, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước.
Bộ LĐ-TB&XH dẫn số liệu từ Bộ Công an cho thấy, 2 năm 2017-2018, cả nước xảy ra 2.643 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với 2.690 em bị xâm hại tình dục được phát hiện (chưa kể nhiều vụ việc chưa bị phát hiện). Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính chất các vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng hè, đặc biệt là thời điểm chuẩn bị nghỉ hè, các em đi chơi cùng nhau để kết thúc năm học. Điều này, theo ông Nam do việc giám sát, quản lý trẻ em trong kỳ nghỉ hè chưa chặt chẽ.
Về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, theo ông Nam, đáng lo ngại là các vụ việc nghiêm trọng được phát hiện có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, cũng có điều đáng khích lệ khi nhận thức của xã hội về bảo vệ trẻ em đã được nâng lên. Điển hình như vụ việc diễn viên 13 tuổi đóng “cảnh nóng” trong phim Vợ ba. Khi phim ra rạp, khán giả đã lên tiếng tẩy chay bộ phim, cảnh tỉnh các nhà làm phim trong bảo vệ trẻ em. Vị này cũng hy vọng Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) sẽ được nhiều người biết tới hơn, và gọi mỗi khi có bất kể vấn đề gì liên quan tới trẻ em.
Để trẻ em được bảo vệ tốt nhấtTại lễ Phát động Tháng hành động vì trẻ em 2019 (ngày 25/5 vừa qua), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em cho rằng, chúng ta không cần nói nhiều về sự quan trọng của trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. “Những vụ việc trẻ em tử vong do đuối nước liên tiếp xảy ra đã khiến nước ta trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp 8 lần các nước phát triển. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em tại Việt Nam. Vậy chúng ta đã thực sự tích cực, nghiêm túc trong bảo vệ các em chưa? Từ năm 2016, Thủ tướng đã có chỉ thị về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh, sau đó có rất nhiều chỉ đạo.
Tuy nhiên, tới nay mới chỉ có gần 1.000/50.000 trường học triển khai chương trình 100% học sinh biết bơi; khoảng 1.000/11.000 xã triển khai chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em. Chúng ta phải thực sự làm nghiêm túc, trách nhiệm trước tính mạng của nhân dân, đặc biệt là của trẻ em”, Phó Thủ tướng nói. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em yêu cầu, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác cảnh báo tại những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước như vực xoáy, sụt cát, nước sâu; hạn chế rủi ro thiên tai bằng các biện pháp giữ rừng, cấm hút cát ven sông…
Theo Phó Thủ tướng, trong hơn 26 triệu trẻ em, còn nhiều em bị bỏ rơi, nhiều em bị suy dinh dưỡng, không ít trẻ em bị bạo hành, bóc lột sức lao động, cả về tình dục. Theo Luật trẻ em, trẻ em có 25 quyền. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp ngành, địa phương, bên cạnh các phong trào phát động, cần thực hiện tốt quyền của trẻ em; làm tốt trách nhiệm của gia đình, các cấp ngành, toàn xã hội, các hành vi vi phạm liên quan tới trẻ em phải bị xử lý nghiêm.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về trẻ em cho biết, những năm qua công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được quan tâm, nhiều chính sách, chương trình, đề án bảo vệ trẻ em đã được ban hành. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục truyền thông, nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ năng về phòng chống đuối nước trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; đặc biệt với đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; giáo viên, cha mẹ và trẻ em.
“Tôi mong các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hãy thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách, chương trình vì trẻ em. Hãy để các em được bảo vệ tốt nhất, cả xã hội chung tay nói không với bạo lực, chặn đứng các hành vi xâm hại trẻ em. Bảo đảm xử lý các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em với 3 cái nhất: Xử lý kịp thời nhất, nghiêm minh nhất và hỗ trợ các em tốt nhất”, ông Dung nói.
Năm 2019, Ủy ban Quốc gia về trẻ em sẽ thực hiện thanh kiểm tra liên ngành về thực hiện quyền trẻ em, và công tác bảo vệ trẻ em. Theo đó, sẽ có 9 đoàn kiểm tra về công tác trẻ em tại các Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT; kiểm tra tại một số tỉnh thành: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bình Dương, Đồng Nai… Đồng thời, đoàn thanh tra liên ngành sẽ thanh tra các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở trợ giúp xã hội tại một số tỉnh thành.
Khởi động chiến dịch truyền thông bảo vệ trẻ em
BCH T.Ư Đoàn vừa ban hành kế hoạch tổ chức chiến dịch truyền thông quy mô lớn có chủ đề “Hành động vì trẻ em”, với sự phối hợp của 3 bên, gồm: T.Ư Đoàn, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Giáo dục & Đào tạo, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8.
Chiến dịch nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động của thiếu nhi, phụ trách, các thầy cô giáo, phụ huynh và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em.
Chiến dịch mở đầu bằng lễ khởi động với sự tham gia của hàng ngàn người tổ chức tại phố đi bộ Hồ Gươm, vào sáng nay (1/6), đúng ngày Quốc tế thiếu nhi. Tại lễ khởi động sẽ ra mắt website và fanpage của chiến dịch; ra mắt tổ công tác đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và nắm bắt thông tin về trẻ em; CLB tư vấn, hỗ trợ trẻ em cấp T.Ư. Công bố Chương trình phối hợp giữa Hội đồng Đội Trung ương và Quỹ phòng chống thiên tai. Đặc biệt là các hoạt động hưởng ứng chiến dịch “Hành động vì trẻ em”: Giao lưu với chuyên gia, nghệ sĩ; hướng dẫn một số kỹ năng tự vệ cho thiếu nhi. Tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em...
AN KHOA