Chúa Trịnh, Phủ Trịnh và…

TP - Bao ý nghĩ cứ ập về khi nhận được giấy mời dự Lễ kỷ niệm 447 năm ngày giỗ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm - chúa tiên khởi 12 chúa Trịnh với 249 năm giúp vua Lê, góp phần giữ bền xã tắc Đại Việt, làm nên giai đoạn lịch sử có tên Lê Trung Hưng…
Một góc Phủ Trịnh.

Nối máy cho TS Trần Quang Trọng, Giám đốc Di sản Thành Nhà Hồ, thành viên ban tổ chức Lễ kỷ niệm, ông giám đốc vắn tắt cho biết dịp này có nhiều cái mới. Dịp này, Thanh Hóa tổ chức Hội thảo Di sản Thành Nhà Hồ và Khu Di tích Phủ Trịnh - Nghè Vẹt trong quy hoạch bảo tồn với phát triển du lịch. 

Hội thảo có sự tham góp của các nhà sử học, nghiên cứu, quản lý, các cơ quan chuyên môn với nhiều tham luận, trong đó có Vị trí Thành Tây Đô thời Lê Trung Hưng và vai trò của Thái vương Trịnh Kiểm; Những giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật của Phủ Trịnh; Từ Ly cung đến Thành Nhà Hồ kết nối con đường di sản; Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát triển du lịch...

Nghĩ cũng hay hay. Chớm tiết Thanh minh này được về thăm lại làng Biện Thượng có di tích Phủ Trịnh - Nghè Vẹt,  quê hương của chúa tiên khởi Trịnh Kiểm. Tên làng Biện Thượng có từ thuở Ái Châu nhà Đường đô hộ. Thời Lê sơ còn giữ tên ấy nhưng sau đó bẵng đi vì nhiều nhẽ. Mãi đến năm 1820 Minh Mạng mới lấy lại tên Biện Thượng. Tháng 1/1946, Quốc hội khóa đầu tiên sức cho nhiều địa phương cả nước đặt tên mới. Biện Thượng thành xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho đến nay.

Biện Thượng xứ Thanh với vời vợi Phủ Trịnh thành Thăng Long… Phủ Trịnh Thăng Long, công trình kiến trúc đồ sộ bậc nhất thời Lê Trung Hưng, được xây dựng trong một thế kỷ rưỡi (1592-1749). Như mô tả của S.Baron, thương gia Anh (đến Thăng Long năm 1680), đại để, Phủ Chúa ở trung tâm thành phố Kẻ Chợ. Vương phủ trải dài từ khu vực phố Cửa Nam, Hàng Bông ngày nay qua phố Phủ Doãn, Quang Trung, ra tận hồ Hale (hồ Thiền Quang) và xuyên xuống phố Bà Triệu, chia ra ba cửa chính: Chính Nam (phố Bà Triệu), Tuyên Vũ Môn (có Ngũ Long Lầu, cao 70m, là Bưu điện Hà Nội nay) và Diệu Đức (thông ra Cửa Nam kinh thành Thăng Long). Tổng số có 52 cung, phủ, điện, đài, vườn ngự uyển, hồ, trại lính...

Nhưng công trình kiến trúc đáng nể ấy đã tan tành. Hoàng Lê nhất thống chí từng than tiếc khi chỉ đích danh Lê Chiêu Thống đã ngầm sai người phóng hoả đốt hết phủ chúa. Khi phủ cháy, khói lửa bốc lên ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt.

Độc đáo là từ thời chúa Trịnh Tùng, một hành cung quy mô khá hoàng tráng đã được xây dựng tại Biện Thượng. Hành cung Phủ Trịnh tại Biện Thượng được xây dựng trên khoảng đất rộng khoảng 10ha, gồm nhiều khu vực: Từ phủ - nơi chúa làm việc, tiếp khách; Nội phủ - nơi ở của nhà chúa; khu làm việc của các quan; khu thờ cúng; khu vườn hồ thưởng ngoạn; khu giải trí… 

Để xây dựng công trình Phủ Trịnh ở Biện Thượng, các chúa Trịnh đã huy động những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất về các mặt thiết kế, chạm trổ, sơn son thếp vàng, điêu khắc, hội hoạ... Hành cung là nơi các chúa Trịnh thi thoảng về bái yết tiên tổ sơn lăng, tiện thể luôn việc nghỉ ngơi điều hành công việc ngoài Phủ Chúa Thăng Long kiểu chạy ngựa trạm.

Phủ Trịnh Biện Thượng bị phá hủy từ khi nào? Có đồng thời với việc thiêu hủy Phủ Chúa ở Thăng Long? Và ai phá? Xin khất một dịp khác sẽ hầu bạn đọc!

… Ngước lên bức hoành Tiên tổ thị vương ngay ngắn ở gian chính giữa của 7 gian nhà được gọi là Phủ Trịnh - Di tích lịch sử xếp hạng năm 1995 thấy lắm ngữ nghĩa. Tiên tổ ta vốn là vua? Chắc chẳng có hơi hướng ấm ức và vỗ ngực kiểu nghĩa lộ như thế? Từng tự nguyện giúp các triều vua Lê suốt 249 năm. 

Từng tâm niệm thờ Phật thì được ăn oản như lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm? Vua Lê Hiển Tông từng cảm thán Chúa lo cái lo cho ta cơ mà? Tôi đồ rằng bức hoành này có nguyên ủy và dựa vào hơi hướng cái câu tiên tổ thị hoàng trong Kinh Thi. Nghĩa là tổ tiên ta công tích rực rỡ to lớn thay. Hoàng ở đây là rực rỡ, to lớn, không phải là vua. Chắc có sự chép nhầm lẫn, hiểu lầm chi đó? 

Tự dưng nhớ lại hai chuyện cũng chả vui vẻ gì. Dạo ấy, Phủ Trịnh xập xệ, dột nát quá. Không hiểu các ông trong ban quản lý bàn định ra sao mà đùng cái, hô bà con hạ giải - nghĩa là dỡ toang Phủ xuống. Làng Vĩnh Hùng ban đêm tức tốc cho người ra Hà Nội gọi người của làng mình là ông Lê Tiến Thọ khi đó đương chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa không quên ghé nèo tôi về.

Về đến quê, ông thủ từ cùng chức sắc địa phương chỉ vào đống gỗ mục ngổn ngang chất giọng ai oán nhưng như ngầm ra lệnh Dân làng chúng tôi có cả mấy chục lần kêu xin sửa sang Di tích lịch sử quốc gia này rồi nhưng mãi không thấy hồi âm. Nay nhờ các anh ra Bộ Văn hóa kêu hộ…

Ông Tiến Thọ không dám nói gì cả. Ra Hà Nội, không biết ông đã làm, đã nghĩ những gì mà ông xui tôi gặp ông Phạm Quang Nghị - thủ trưởng trực tiếp của ông Thọ khi ấy đương kim Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Tôi không chịu vì phận mình tôm tép, nói ai nghe? Chắc hẳn ông Nghị với ông Thọ đều ngại mang tiếng? 

Ông Nghị dân Thanh Hóa. Còn ông Thọ là người Vĩnh Hùng. Chuyện thì dài, khi khác kể lại. Nhưng đại để, dân làng thúc ép quá, Thứ trưởng Tiến Thọ liều ba thì tôi liều bảy, cứ kêu. May mà một thời gian sau, có lẽ cũng đúng luật, phải nhẽ, kinh phí nhà nước rót cho 300 triệu đồng cộng với việc xã hội hóa của dòng họ Trịnh, Phủ Trịnh đã được phục dựng 7 gian như bây giờ.

Lại nói tượng 11 vị chúa Trịnh đang thờ ở Phủ Trịnh (tượng Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm có từ trước đó) là công của cụ Trịnh Doanh quê ở Yên Lộ, Hà Đông, hậu duệ của dòng chúa Trịnh Căn. Viết đến đây xiết bao cảm phục con người hằng tâm hằng sản ấy nay đã là người thiên cổ. Bao năm chứng kiến Phủ Trịnh quê chúa dột nát không có tượng thờ, cụ áy náy, lo buồn. Rồi cụ âm thầm tích cóp, nhờ xin công đức nơi này chỗ khác rồi thăm gặp các nhà điêu khắc, làm sử tiếng tăm… 

Một việc hy hữu loang ra là cụ Trịnh Doanh đã chủ sự công trình chế tác 11 vị chúa Trịnh từ Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng đến vị chúa cuối là Án Đô vương Trịnh Bồng.  Nếu nói vị chúa nào cũng uy nghi thần thái cũng được nhưng khi chiêm bái, người rành sử đều cảm nhận ở mỗi vị đều toát yếu không nhiều thì ít phảng phất tính cách cũng như thăng, trầm đặc thù mỗi giai đoạn lịch sử. (Xin xem thêm Chuyện rước 11 vị Chúa Trịnh về Biện Thượng. Cùng tác giả. Tiền Phong 12/3/2005).

Dịp giỗ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm 18/2/2005 (âm lịch), dòng họ Trịnh Hà Đông tổ chức long trọng việc rước 11 tượng chúa về quê tổ Biện Thượng. Gần hai trăm cây số từ Hà Đông về Vĩnh Hùng hanh thông nhưng lộ trình đã tắc tị mấy mét trước Phủ Chúa. Tin dữ báo cho tôi vào 12 giờ khuya đêm trước ngày giỗ.

Lý do rất đơn giản nhưng cái lý lại chắc khừ rằng, các nhà chức việc xứ Thanh, cụ thể là Sở Văn hóa ách lại việc đưa tượng vào Phủ với lý do làm theo luật, bởi 11 pho tượng kia ai dám chắc là tượng chúa Trịnh Tùng, Trịnh Bồng… Rằng đây là di tích lịch sử quốc gia, không thể tùy tiện đưa tượng thờ vào nếu chưa qua kiểm định, thẩm tra của Sở và Bộ.

Cậy chỗ quen biết, tôi nghĩ chỉ có cách điện cho ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa Phạm Quang Nghị theo lời xui của ông Trịnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng tộc Trịnh xuất phát từ tấm lòng sốt mến tiền nhân và lịch sử, bà con tộc Trịnh đã… Hiện 11 pho tượng đã làm thủ tục hô thần nhập tượng và đang tập kết trước Phủ… Để an lòng dân và đúng ngày giỗ của Minh Khang Thái vương, tha thiết đề nghị Bộ trưởng cho phép định vị 11 pho tượng Chúa trong Phủ. Sau lễ, sẽ chấp hành việc thẩm định theo quy định của các cơ quan trách nhiệm.

Tò, te tý… Điện thoại cầm tay của Bộ trưởng Nghị tắt máy. Có lẽ khuya quá rồi…

Nối máy với vài ba nhân mối khác. May thay, quãng gần 2 giờ sáng thì thông được với máy ông Bộ trưởng. Hóa ra, ông đang đi kinh lý ở một tỉnh phía Nam. Sau đó, không rõ là từ ông Bộ trưởng đã qua những kênh nào, gần sáng hôm ấy, 11 pho tượng đã an vị trong Phủ chúa.

12 năm đã qua. Tấm lòng cùng hương khói du khách và bà con tộc Trịnh khắp cả nước hình như đã cầu tất ứng cảm tất thông thấu đến tiên tổ nên thần thái các vị Chúa vẫn an nhiên như cái đêm vào Phủ an vị? May nữa, cũng chả ai ỏ ê gì đến việc thẩm định với xét lại 11 pho tượng cả.

Một việc vui cuối năm ngoái, UBND tỉnh Thanh Hóa chính thức khởi công công trình bảo tồn, tu bổ, tôn tạo Khu di tích Lịch sử quốc gia Phủ Trịnh. Đây là dự án được UBND tỉnh phê duyệt từ cuối năm 2015 với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng. Khu di tích sẽ được bảo tồn, tôn tạo các hạng mục: Phủ từ, tả vu, hữu vu, điện thờ Thái Miếu, nhà bia, hồ nước, sân lễ hội, cổng, nhà đón tiếp, nhà trưng bày, sân tường cùng hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, khuôn viên... trên tổng diện tích 3,16 ha. Dự án sẽ được triển khai trong 5 năm.

Tôi đang ngồi với Hoàng Tuấn Liêm - người từng chịu trách nhiệm đảm nhận tu sửa, phục chế chính điện Lam Kinh nay được trao trọng trách phục chế Phủ Trịnh. Chọn mặt gửi… Phủ? 

Cái duyên để đến được Phủ Trịnh có phải Liêm và thuộc hạ từng làm hợp lý đến từng mi li mét công trình chính điện Lam Kinh mà bây giờ du khách khá hài lòng? Liêm đang nói thêm về đất Biện Thượng nguyên là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển, giáp ranh hai tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình.

Làng Gia Miêu - quê hương của nhà Nguyễn lại ở phía Nam của dãy núi. Chốn cũ của họ Trịnh cũng chung mạch với nhà Nguyễn được núi non, sông nước bao quanh, che chở, giữ cho lộc trời bền lâu. Và Phủ Trịnh mai kia sẽ là điểm nhấn, là vạch nối có lý trong mạch liên kết du lịch mà hội thảo đương bàn.