Trụ trì chùa Ba Vàng:

Chùa Ba Vàng: Giảng về 'vong báo oán' đều có sư trụ trì chứng kiến

TP - Thầy Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) xác nhận sự việc gọi vong diễn ra tại chùa Ba Vàng. Việc thu tiền của người dân đa số tự nguyện còn lại thu do yêu cầu của vong.

Vẫn tuyên truyền “vong báo oán”

Trước “cơn bão” dư luận về việc chùa Ba Vàng truyền bá “vong báo oán”, lợi dụng lòng tin của người dân để thu lợi bất chính, phóng viên Tiền Phong tìm về ngôi chùa được mệnh danh có chính điện lớn nhất Đông Dương để ghi nhận tình hình.

Ngay từ cổng vào, người dân vẫn lũ lượt “rồng rắn” lên chùa hành hương, bến xe chật kín chỗ, lối đi tấp nập người ra vào. “Chuyện báo ân, báo oán gì gì đó mình không theo thì thôi, việc lên chùa không nhất thiết là cầu may hay xin xỏ điều gì. Nhiều lúc đơn giản lên chùa để có được cảm giác bình an” - một phật tử đến từ Bắc Giang, nói.

Trong không gian rộng lớn, hệ thống loa của nhà chùa vẫn phát đi những bài pháp giảng đạo phật nói về lòng hiếu thảo với mẹ cha, tình yêu thương giữa người với người của chính những sư thầy đang tu tập tại chùa thu âm sẵn. Nghe kỹ, trong những bài pháp giảng này vẫn lồng ghép chuyện “vong báo oán”.

Trong chính điện, hàng trăm người ngồi ngay ngắn, chỉnh tề chăm chú nghe thuyết giảng. Giữa chính điện, một sư thầy cầm míc miệt mài thuyết giảng. “Ở đây có hàng trăm người thường xuyên đến nghe thầy thuyết giảng, hôm nào có thầy trụ trì hoặc cô Yến thì đông lắm, người ngồi tràn ra cả 2 bên điện” - bà N.T.N người làm công quả tại chùa cho biết.

Theo nhiều người dân sống tại thành phố Uông Bí, việc cầu vong, giải oan thường xuyên được diễn ra ở chùa Ba Vàng. Có người tận Canada còn đưa cả gia đình về đây để cầu vong cúng dường. Việc phát tâm cúng tam bảo của mọi người thì không thể đếm hết, riêng việc tự nguyện làm công quả cho chùa như quét dọn, nấu ăn, phục vụ lễ hội thì lên đến vài nghìn người mỗi năm.

Ngay sau khi có thông tin chùa Ba Vàng truyền bá “vong báo oán”, ngày 20/3, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP. Uông Bí đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành có buổi làm việc chính thức với đại diện chùa Ba Vàng là Đại đức Thích Trúc Thái Minh, sư trụ trì. Tại buổi làm việc, thầy Thái Minh đã xác nhận sự việc báo chí nêu là đúng và đang diễn ra tại chùa Ba Vàng.

“Đa số những người cúng dường, công đức cho nhà chùa đều là tự nguyện chứ nhà chùa không bắt ép. Việc thu tiền của người dân là do yêu cầu của vong” - Đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Uông Bí, ngày 20/3.

“Sắp tới chúng tôi sẽ mời bà Phạm Thị Yến lên làm việc để làm rõ những thông tin mà người này đã thuyết giảng. Riêng việc bà Yến tự ý thuyết giảng tại chùa Ba Vàng là trái pháp luật khi chưa được sự đồng ý của các cơ quan chức năng”.

                         Ông Nguyễn Mạnh Hà

Giảng về “vong báo oán” có sư trụ trì chứng kiến

Liên quan đến việc chùa Ba Vàng truyền bá “vong báo oán”, ngày 21/3, phóng viên Tiền Phong có buổi làm việc với Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết: “Qua xác minh ban đầu, chúng tôi đã xác định được sự việc xảy ra tại chùa Ba Vàng là có thật. Hiện chúng tôi cũng đang phối hợp với đoàn thanh tra của Bộ Văn hóa Thể thao để làm rõ sự việc”.

“Quan điểm của thành phố, nếu xác định những hoạt động của chùa Ba Vàng là vi phạm pháp luật, là mê tín dị đoan làm cho người dân u mê, gây khổ đau cho những người ốm đau bệnh tật, chúng tôi sẽ kiên quyết đi đến cùng sự việc và xử lý nghiêm minh” - ông Nguyễn Mạnh Hà nói.

Không chỉ truyên truyền “vong báo oán” trong các bài giảng pháp, trên trang web chính thức của chùa Ba Vàng (chuabavang.com.vn) còn dành riêng một chuyên mục “Thỉnh oan gia trái chủ”. Chuyên mục này đăng tải hàng trăm bài viết được cho là của các phật tử cảm nhận, chia sẻ và hết lời khen ngợi về pháp độ của nhà chùa.

Theo chia sẻ của các phật tử, việc con người bị bệnh tật, hoạn nạn hay thói hư tật xấu đều xuất phát từ tiền kiếp. Kiếp trước người này phạm phải những sai lầm gì thì kiếp này người đấy phải trả. Để hóa giải được kiếp nạn ấy, họ phải phát tâm cúng dường cho nhà chùa như việc “trả nợ” cho “vong”. Tất cả quy trình đều nằm dưới sự hỗ trợ, dẫn dắt của một người phụ nữ tên Phạm Thị Yến (người liên tục xuất hiện trong các video rao giảng về vong báo oán của chùa Ba Vàng).

Trong hàng loạt các video được đăng tải trên mạng xã hội và cả những kênh thông tin của chùa Ba Vàng, người liên tục rao giảng về việc “vong báo oán” là bà Phạm Thị Yến - chính người phụ nữ trực tiếp ra giá cho mỗi lần gọi “vong”. Trong nhiều lần thuyết giảng về “vong báo oán” đều có mặt Đại đức Thích Trúc Thái Minh, sư trụ trì chứng kiến.

Trong ngày 21/3, chuyên mục thỉnh oan gia trái chủ của chùa Ba Vàng được đăng tải hàng chục bài viết mới của nhiều phật tử cho rằng thông tin các báo đăng tải về chùa Ba Vàng là bịa đặt, vu khống, xuyên tạc… Đặc biệt, sau khi thông tin việc chùa Ba Vàng truyền bá “vong báo oán”, rất nhiều bài viết trong chuyên mục này “bỗng nhiên” biến mất.     

Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị làm rõ thông tin về chùa Ba Vàng

Sau khi thông tin và các video clip phản ánh chùa Ba Vàng tổ chức các hoạt động mang tính mê tín dị đoan như gọi vong, hóa giải các ân oán từ nhiều kiếp trước... được một số báo điện tử đăng tải và chia sẻ trên các trang mạng xã hội, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có công văn gửi Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Quảng Ninh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị kiểm tra, xác minh để làm rõ và có biện pháp ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm (nếu có), đồng thời thông tin cho các cơ quan báo chí về kết quả xử lý giải quyết.

Ban Tôn giáo cũng yêu cầu Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, xác minh để làm rõ những nội dung như báo chí phản ánh, kịp thời tham mưu, đề xuất biện pháp giải quyết những hành vi vi phạm pháp luật (nếu có). Ban Tôn giáo yêu cầu Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Quảng Ninh báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh với UBND tỉnh Quảng Ninh và Ban Tôn giáo Chính phủ trước ngày 25/3/2019.         Văn Kiên