Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Thúc đẩy Quốc gia khởi nghiệp

TPO - Sáng nay (29/4) tại hội nghị của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)- ông Vũ Tiến Lộc đã đề nghị, trong 5 năm tới, Chính phủ nên xác định là 5 năm Quốc gia khởi nghiệp, cả nước tập trung toàn lực phát triển doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc

Theo ông Lộc, chính phủ cần ban hành một nghị quyết về chương trình hành động Quốc gia phát triển doanh nghiệp (DN) cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN.

Theo đó, Chính phủ cần đặt ưu tiên vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn, giảm tối đa chi phí và giảm thiểu rủi ro cho DN.

Đổi mới tư duy toàn diện bộ máy hành chính ở Trung ương và địa phương, để nhất quán nhận thức đúng và thực hiện đầy đủ tinh thần chính quyền phục vụ dân và DN, để không lặp lại vụ việc như trường hợp quán cà phê “Xin Chào”.

Tất cả các cơ quan hành chính cần tạo điều kiện thuận lợi trên trang web, điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo để người dân, DN phản ánh bất kỳ biểu hiện tiêu cực nào. Nếu phát hiện có vi phạm, cần xử lý ngay và nghiêm minh, đúng pháp luật để làm gương, giữ niềm tin của người dân vào pháp luật.

Theo ông Lộc, mục tiêu đất nước ta có được 1,5-2 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Muốn vậy, Chính phủ phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho DN.

Cùng đó, cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN.

Chia sẻ bên lề hội nghị, ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch Tập đoàn Kangaroo cũng cho rằng, khái niệm “thế giới phẳng” như một minh chứng cho sự hội nhập, phát triển kinh tế toàn cầu, một sự không giới hạn, hòa nhập mạnh mẽ.

Ông Phương nói cá nhân ông luôn trăn trở, Mỹ có Apple, Nhật có Honda, Hàn Quốc có Samsung thì tại sao Việt Nam lại chưa thể có một tập đoàn khổng lồ như vậy?

Trí tuệ người Việt không thua kém các nước trên thế giới, chúng ta lại có sự cần cù của cha ông để lại, có một lòng tự tôn dân tộc, ý chí mãnh liệt để đưa đất nước “sánh vai cùng các cường quốc” thì lý do gì chúng ta chưa làm được.

“Vì chúng ta chưa có những chính sách đồng bộ, định hướng nhất quán giữa các bộ ban ngành dẫn đến sự mất tự chủ, mất niềm tin của doanh nghiệp, của cộng đồng đối với chính năng lực của mình”- ông Phương nói.

Theo ông Phương, xây dựng đất nước cũng như việc phát triển DN, cần có định hướng, có tầm nhìn và có những giá trị cốt lõi để cả nước cùng hướng tới.