Sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, phạm vi giám sát 14 bộ, ngành và 12 địa phương là dự kiến chứ không nên đi hết. Bởi ngành Y tế đang rất áp lực, nguyên tắc là không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống y tế.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, nội dung giám sát tập trung vào việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, nguồn lực gồm: Ngân sách nhà nước, Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, viện trợ ngoài nước, các chính sách tài khóa, tiền tệ; nguồn lực huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước. Nhân lực, gồm: lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch được huy động trong ngành Y tế, Quân đội, Công an; lực lượng nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Ngoài ra, nội dung giám sát còn có việc tổ chức bộ máy y tế dự phòng, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế dự phòng. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với y tế dự phòng; phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính cho y tế dự phòng. Nguồn nhân lực bảo đảm cho hoạt động của y tế dự phòng.
Về phạm vi giám sát sẽ triển khai trên phạm vi cả nước, đến hết ngày 31/12/2022, dự kiến giám sát trực tiếp tại 14 bộ, ngành và 12 địa phương.
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá, đây là một chuyên đề mang tính thời sự, chắc chắn được đông đảo cử tri và nhân dân đón nhận. Ông cũng lưu ý, hai lĩnh vực giám sát cũng là vấn đề rất lớn, nhưng thời gian không nhiều, vì tháng 5/2023 đã phải trình Quốc hội.
Đoàn giám sát trong bối cảnh tình hình vụ Việt Á đang tác động lớn, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị phương pháp, cách thức làm cần cân nhắc thêm, có thể đoàn đi 1 ngày nhưng cần có 1 tổ để nắm, nghe thêm, nhất là những địa phương huy động nguồn lực nhiều nơi, có những vấn đề cần xem xét, tránh việc chỉ nghe một chiều của báo cáo.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong huy động các nguồn lực phòng, chống dịch thì có nguồn lực trong nước và nguồn lực nước ngoài. Riêng nguồn lực nước ngoài có việc tiếp nhận, mua sắm vắc xin, vật tư, trang thiết bị y tế.
"Vì kit test đã làm kỹ rồi nên chăng không tập trung vào đấy mà tập trung vào vắc xin, viện trợ, mua vắc xin thế nào, mua có đúng không, phân phối ra sao, quản lý sử dụng như thế nào?", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, làm rõ chủ trương nghiên cứu, sản xuất, chế tạo vắc xin và các thiết bị vật tư trong nước, đánh giá việc này như thế nào?
"Tôi thấy có cái nói chuẩn bị cấp phép sử dụng, thế mà cuối cùng chả thấy gì, kết quả nghiên cứu, thử nghiệm ra sao? Chúng ta lo ngại "dịch chồng dịch", bệnh đậu mùa khỉ...nên vấn đề tự lực tự cường trong phòng, chống dịch rất quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Đối với y tế dự phòng, cần tập trung làm rõ mô hình tổ chức, sắp xếp lại theo Nghị quyết 19 như thế nào? Thực trạng tổ chức y tế phường, xã, gắn với mô hình bác sỹ gia đình ra sao?
Theo Chủ tịch Quốc hội, rủi ro nhất là địa phương không bố trí đủ vốn ngân sách cho y tế dự phòng (quy định nói chi bằng ngân sách ít nhất 30% cho y tế), chấp hành không nghiêm, coi thường, không quan tâm y tế dự phòng. Từ đó thấy tại sao gói của Nghị quyết 43 cho mười mấy nghìn tỷ tăng cường cho y tế dự phòng lại dùng không hết.
"Phải trả lời câu hỏi, do không có nhu cầu, do không quan tâm bố trí hay không chuẩn bị được kinh phí?”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giám sát phải làm rõ những chuyện này.