Chiều 5/12, phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong ngày làm việc, diễn đàn đã dành nhiều thời gian và trọng tâm vào chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, chính sách an sinh xã hội, vấn đề lao động… trong tổng thể chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Cơ quan chủ trì sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam có một báo cáo tổng thuật đầy đủ toàn bộ diễn biến và kết quả của diễn đàn.
“Đây là căn cứ để nghiên cứu sâu sắc hơn, nhiều tài liệu hơn nhằm chuẩn bị cho các phiên họp tới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến diễn ra vào cuối năm nay, hoặc chậm nhất là đầu năm 2022”, ông Vương Đình Huệ nêu.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tác động của đại dịch COVID là bất ngờ, chưa có tiền lệ, không lường trước được và chưa biết rồi sẽ thế nào, bao giờ chấm dứt, ngoài Omicron còn có biến thể mới nào nữa không, tốc độ lây lan thế nào… vẫn là câu chuyện còn ở phía trước.
Đặc biệt trong thực tiễn, COVID-19 đã gây ra những hậu quả, tổn thất rất nặng nề và sâu rộng cho các nước trên thế giới mà Việt Nam không phải ngoại lệ. Chủ tịch Quốc hội viện dẫn, theo tính toán của Phó Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Thành Phong, trong 2 năm, tính theo GDP, chúng ta thiệt hại khoảng 37 tỉ USD. Đó mới chỉ là thiệt hại trực tiếp về GDP, chưa tính những thiệt hại khác.
“Vì vậy trong bối cảnh đặc biệt cần có giải pháp đột phá với các cơ chế khác điều kiện bình thường”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Lãnh đạo Quốc hội cũng điểm lại các ý kiến đề nghị cần tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên nhiều hơn cho tổng cung; phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hoà cả chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác (kinh nghiệm thế giới là chính sách tài khoá 65%, chính sách tiền tệ 35%) với quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, có lộ trình…
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, các chính sách tổng thể cần tập trung hỗ trợ phục hồi các ngành, lĩnh vực quan trọng và các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID- 19, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, chuẩn bị năng lực đầu tư, tạo điều kiện phục hồi kinh tế, đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn đối với các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao và có tính dài hạn trong việc cải cách thể chế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững… “Cần xác định đúng, trúng các đối tượng hỗ trợ để tạo ra tác động lan toả, kích thích phục hồi nền kinh tế và bảo đảm hiệu quả của dòng vốn đầu tư”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Quốc hội, một trong những điểm nghẽn của chúng ta là khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Các đại biểu đã chỉ ra do tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng như các vấn đề liên quan trong thực thi giải ngân đầu tư công, trong triển khai các dự án của các thành phần kinh tế, không chỉ đầu tư công mà ngay cả đầu tư tư nhân cũng rất chậm, có nhiều vướng mắc. Do vậy, cần cải thiện khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Các ý kiến cũng đề nghị cần đánh giá kỹ tác động của chính sách, lưu ý đến “độ trễ” của chính sách, có thể chấp nhận một số thay đổi trong ngắn hạn như tăng bội chi, tăng trần nợ công…
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận các đề xuất miễn, giảm thuế, phí cũng như gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Trước lo ngại năm 2008 áp dụng gói hỗ trợ lãi suất không tốt, ông Vương Đình Huệ lý giải, do lúc đó hỗ trợ tràn lan, không có mục tiêu cụ thể. “Bây giờ chúng ta vẫn đang hỗ trợ lãi suất, vẫn giải ngân, quyết toán được bình thường, tại sao lại không quyết toán được? Dễ làm, khó bỏ thì không nên”, ông Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, hoặc có khả năng phục hồi. Đồng thời cần chú trọng hỗ trợ tài chính cho việc cải tạo chung cư cũ, như Hà Nội còn hơn 1.500 toà có nhu cầu cải tạo, nhiều toà đang ở cấp đặc biệt nguy hiểm, hay TPHCM còn khoảng 600 toà, Hải Phòng cũng còn rất nhiều…
“Nếu gỡ được điểm nghẽn này, Hà Nội, TP HCM tăng trưởng 7 – 8 % là chuyện bình thường”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đồng thời lưu ý xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo hình thức thuê mua, không phải bán như bây giờ.