Chủ tịch nước: Sâm Ngọc Linh là 'quốc bảo', gắn với quốc kế dân sinh

TPO - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sâm Ngọc Linh không chỉ là quốc bảo mà còn là quốc kế dân sinh. Sâm Ngọc Linh không chỉ trưng bày trong tủ kính mà phải chế biến sản xuất, giải quyết nhiều việc làm, giải quyết vấn đề an sinh xã hội và đóng góp thực sự đây là một thương hiệu quốc gia.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia.

Ngày 6/8, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), diễn ra Hội thảo "Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia". Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự.

Sâm Ngọc Linh.

Hội thảo phân tích, đánh giá toàn diện về cơ chế, chính sách và thực trạng quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh hiện nay. Từ đó tìm ra các giải pháp thúc đẩy mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh, tạo động lực hiện thực hóa “Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam”, đưa sâm Ngọc Linh trở thành một thương hiệu quốc gia.

Chủ tịch nước cho rằng, tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam đã làm được nhiều việc để giữ gìn phát huy cây sâm Ngọc Linh. Hội thảo lần này là việc làm ý nghĩa để thực hiện phương châm “quốc kế dân sinh”.

"Phương châm quốc kế dân sinh cho người dân, giải quyết được nhiều việc làm cho người dân bằng những sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh, bằng sản lượng lớn hơn hiện nay" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước cho rằng, không chỉ cơ chế chính sách, tạo động lực, tìm nguồn lực phát triển cây sâm Ngọc Linh - một quốc bảo của Việt Nam mà cần tìm tòi biện pháp tốt nhất, phù hợp nhất để phát triển cây "quốc kế dân sinh" này. Đây là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, và hiện nay là lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Nhiều nước trên thế giới cũng có sâm và họ chế biến ra những hàng trăm sản phẩm từ sâm. So với các nước, quy mô sản lượng sâm Ngọc Linh của nước ta còn khiêm tốn, chất lượng phải cải thiện hơn, thị trường giá cả cũng còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm giải quyết.

Những vấn đề lớn đặt ra như với biến đổi thời tiết, khí hậu, ở Kon Tum có hàng vạn cây sâm bị chết. Đặc biệt là tình trạng sâm giả, rất nhiều loại củ giống với sâm Ngọc Linh trà trộn vào thị trường làm mất uy tín. Ngoài ra, khoa học công nghệ chưa được chú trọng ứng dụng; vấn đề đa dạng sản phẩm Ngọc Linh còn hạn chế...

Củ sâm Ngọc Linh có giá 900 triệu đồng tại phiên chợ sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Những bước tiến hiện nay mới chỉ là bước đầu, chưa phải là một thương hiệu quốc gia hùng mạnh. Chủ tịch nước cho rằng với tiềm năng, sản phẩm và giá trị sâm Ngọc Linh rất lớn, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp sâm và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam với mục tiêu tỉ đô la.

Chủ tịch nước yêu cầu không chỉ Kon Tum, Quảng Nam mà còn nhiều nỗ lực, tâm huyết trong triển khai chiến lược, có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ, bộ ngành trong việc đưa sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia.

Trong đó, chú trọng vừa bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, ưu tiên chất lượng; các nhà sản xuất và cơ quan nghiên cứu cần học hỏi cách làm của Hàn Quốc, đại chúng hóa sản phẩm, đưa phân khúc từ thấp tới cao, hướng ra toàn cầu; bảo vệ nguồn gene thuần chủng không lai tạp, nhầm lẫn với các loại sâm khác, làm tốt chỉ dẫn địa lý; nghiên cứu di thực sâm Ngọc Linh; bảo hộ hiệu quả giá trị thương hiệu và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia, không đơn thuần là nhãn hiệu thuần túy của một doanh nghiệp.

Ngoài giá trị về sức khỏe còn ẩn chứa những tiềm năng to lớn về kinh tế, cơ hội khẳng định niềm tự hào dân tộc, tương tự như Hàn Quốc đã tự hào về nhân sâm của họ.

Đối với sâm thì yếu tố đất và rừng là không thể thay thế. Vì vậy người dân và doanh nghiệp và chính quyền cần hợp đồng chặt chẽ để giữ rừng. "Người dân địa phương nơi đây phải được hưởng lợi, chứ không phải sâm Ngọc Linh chỉ rơi vào túi các nhà doanh nghiệp mà cũng phải quan tâm đến đời sống người dân" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.