Giải pháp nào cho vụ Thủ Thiêm?

Chủ tịch HĐND TPHCM: Bây giờ sai thì phải sửa thôi

TP - "Tôi nói với bà con bây giờ phải rà soát lại. Sai ở chỗ nào thì phải sửa ở chỗ đó và phải gặp gỡ, thuyết phục để tạo sự đồng thuận. Bây giờ sai thì mình phải sửa thôi. Chắc chắn phải như vậy". Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho Tiền Phong biết vào chiều 4/12.
Một người dân Thủ Thiêm nhiều năm đi kêu đòi quyền lợi

Bà Tâm nói: Thông báo (của Thanh tra Chính phủ) vừa qua chưa phải là thanh tra toàn diện. Vụ việc đang được thanh tra toàn diện nhưng kết luận một số ý kiến cử tri phản ánh thì rõ ràng mình có sai. 

Trong thời gian làm đại biểu Quốc hội, HĐND TPHCM ở quận 2, bà có phát hiện các sai phạm này và tham gia giải quyết không?

Tôi làm đại biểu 7 năm ở quận 2, phát hiện dự án không chỉ sai những việc thanh tra đã kết luận mà còn sai một số việc khác. Đó là kiểm đếm, tính toán các chính sách đền bù có những sai sót. Khi phát hiện, đại biểu phối hợp với UBND quận 2 tìm cách để sửa chứ không phải buông xuôi.

Tôi vẫn nói với bà con sai thì phải sửa và tôi cũng thường xuyên dặn anh em dưới quận mỗi khi bà con còn có ý kiến, phải chú ý lắng nghe, rà soát lại. Mình rà soát lại đâu mất mát gì nhưng nếu mình sai, dù chỉ một chút thôi thì cũng phải sửa cho đúng. Tôi trao đổi với bà con quận 2 thì cũng có những việc như thế.

Việc sửa sai sắp tới như thế nào, thưa bà?

Mình sai rồi thì sửa có khó không? Khó chứ! Ví dụ như đất bây giờ mình đang triển khai dự án; số lượng đó bây giờ xử lý như thế nào? Bao nhiêu hộ ảnh hưởng? Chính sách sắp tới như thế nào… thì phải thảo luận với bà con. Tìm sự đồng thuận không phải dễ. Mình đưa ra mấy phương án nhưng bà con không đồng ý…

Các chính sách phải hài hòa lợi ích và tuân thủ các quy định của pháp luật. Mình sai thì phải sửa nhưng mà sửa phải theo quy định của pháp luật chứ mình không thể vượt ra ngoài khung pháp lý được. Điều này đòi hỏi phải thuyết phục bà con và mình cũng phải thấy trách nhiệm của mình. Mình lo cuộc sống cho dân thì phải kiên trì.

Bà từng bị cử tri trách cứ vì không làm tròn nhiệm vụ?

Tiếp xúc cử tri lần nào tôi cũng nói với bà con nhất định phải có một cái đúng. Cô bác khiếu nại cô bác nói mình đúng, còn chính quyền nói chính quyền làm vậy là đúng. Không thể có hai bên cùng đúng trên cùng một sự việc. Phải có một bên đúng.

Có thể cơ sở pháp lý có dích dắc, trải qua nhiều giai đoạn, việc kiểm tra khó một chút. Tôi luôn động viên bà con kiên trì còn đại biểu thì luôn đồng hành với cô bác. Cô bác xót ruột thì cô bác trách nhưng mà tôi không buồn. Miễn là mình thực tâm đồng hành cùng cô bác và giám sát phía chính quyền.

Ví dụ như mình nghe cô bác nói thì mình ghi nhận rồi về làm việc với UBND quận 2, UBND TPHCM, lãnh đạo thành phố việc này, việc kia,… làm sao cô bác biết được. Bà con trách mình là chuyện bình thường vì cô bác chưa biết, chưa hiểu. Vả lại, không phải việc gì mình làm cũng đều đem khoe, báo cáo với cô bác.

Mình coi người dân như cô bác của mình. Nếu so sánh thì nhiều người nói khập khiễng nhưng anh chị em ruột trong nhà mình giận, mình hờn còn lớn tiếng với nhau huống chi bà con đã khổ sở, thiệt thòi bao nhiêu năm qua. Làm đại biểu mà chưa làm điều gì bảo vệ người dân thì rõ ràng bà con giận chứ. Phải hiểu tâm lý đó của bà con và chịu đựng nghe; nghe không phải như gió qua truông.

Vấn đề quan trọng nhất chính là kết quả cuối cùng. Cần đeo bám, giám sát, nghiên cứu các quy định pháp luật và chỉ ra cho chính quyền (cơ quan hành pháp - PV) thấy sai ở chỗ này, chỗ kia.

Tôi khẳng định đối với các đại biểu, quyền lợi chính đáng của người dân là trên hết, sự phát triển của thành phố cũng rất cần nhưng phát triển mà bất chấp quyền lợi của người dân thì sự phát triển đó không bền vững được. Sự phát triển đó phải hài hòa. Quyền lợi của người dân phải được tôn trọng.

Tất nhiên là đôi khi cán bộ có sai phạm, có thể có chủ đích hoặc không mà do một điều kiện cụ thể nào đó. Quá trình kiểm điểm trách nhiệm các cán bộ liên quan sẽ rõ.

Với vai trò là chủ tịch HĐND TPHCM, theo bà, nên giải quyết quyền lợi của người dân như 
thế nào?

Tôi nói với bà con bây giờ phải rà soát lại. Sai ở chỗ nào thì phải sửa ở chỗ đó và phải gặp gỡ, thuyết phục để tạo sự đồng thuận. Phải giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật và hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Mình không đề cao lợi ích nào. Bây giờ sai thì mình phải sửa thôi. Chắc chắn phải như vậy.

Cám ơn bà.