Ngày 18/12, sau 2 ngày xét xử, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Cự Tẩm (SN 1959) – nguyên Chủ tịch kiêm TGĐ Cty TNHH MTV Haprosimex án 9 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, 8 năm tù về tội “Tham ô tài sản”; tổng hợp hình phạt 17 năm tù. Cùng hầu tòa, bị cáo Phạm Thị Minh Phương (SN 1975) – kế toán Cty Haprosimex nhận án 4 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.
Theo truy tố, năm 2007, Cty Haprosimex (thuộc sở hữu của UBND TP Hà Nội) thành lập nhà máy dệt kim Haprosimex. Sau đó, Nguyễn Cự Tẩm đang giữ chức Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Cty Haprosimex nhưng vẫn được bổ nhiệm làm giám đốc nhà máy dệt kim.
Từ năm 2010 đến 2016, ông Tẩm chỉ đạo các nhân viên cấp dưới tại nhà máy dệt kim chi trả tiền phụ cấp cho mình từ nguồn quỹ của nhà máy trái quy định với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng nhưng không báo cáo UBND TP Hà Nội. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, việc ông Tẩm nhận tiền phụ cấp không có cơ sở và không phù hợp các quy định của pháp luật.
Về hành vi tham ô tài sản, cơ quan an ninh xác định, từ 2014 – 2015, Nguyễn Cự Tẩm đã cùng Phạm Thị Minh Phương lập khống chứng từ thu khoản vay 600 triệu đồng rồi hạch toán lãi được hơn 233 triệu đồng. Phương biết việc này vi phạm các quy tắc kế toán nhưng vẫn giúp sức và giao 233 triệu đồng cho bị cáo Tẩm.
Tiếp đến, Nguyễn Cự Tẩm còn yêu cầu cấp dưới tạm ứng 156 triệu đồng để chi hành chính. Có tiền, bị cáo đã chi tiêu hết nhưng không có giấy tờ. Khi cơ quan điều tra vào cuộc, ông Tẩm chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ khống rồi yêu cầu bị cáo Phương hạch toán vào tài khoản của Cty.
Vì vậy, VKSND TP Hà Nội đề nghị tòa tuyên buộc bị cáo Tẩm phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi lợi dụng chức vụ, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 1,4 tỷ đồng và tham ô gần 400 triệu đồng.
Ngược lại, ông Tẩm cho rằng khi thành lập nhà máy dệt kim Haprosimex, nhân lực của Cty Haprosimex rất thiếu nên ông buộc phải kiêm chức giám đốc của nhà máy và do đó, việc ông nhận phụ cấp là đúng.
Tiếp đến, UBND TP Hà Nội buộc Cty Haprosimex phải cổ phần hóa bằng mọi giá nên bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới chi các khoản tiếp khách, ngoại giao… phục vụ cổ phần hóa. Theo ông Tẩm, các khoản tiền này không có chứng từ hóa đơn nhưng trên thực tế đều là chi phí hợp lý cho Cty, ông không hề nhận hoặc chi tiêu cá nhân. Tuy nhiên, tòa án bác bỏ những lời tự bào chữa của Nguyễn Cự Tẩm.
Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ một loạt hành vi sai phạm của bị cáo Tẩm để xử lý sau gồm việc sử dụng 8 tỷ đồng tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 16 hộ dân tại quận Bắc Từ Liêm để phục vụ xây dựng Cty dệt kim Thăng Long (Cty con của Haprosimex).
Tiếp đến là các hành vi sử dụng gần 6 tỷ đồng tiền bán cổ phần của Haprosimex; lập khống hoặc chi không chứng từ hơn 4 tỷ đồng; việc ký kết các hợp đồng liên quan lĩnh vực quốc phòng…
Đáng chú ý, bước đầu cơ quan chức năng xác định Nguyễn Cự Tẩm liên quan việc không nộp bảo hiểm cho người lao động của Haprosimex nhưng vẫn khấu trừ 2 tỷ đồng tiền bảo hiểm vào lương của họ.