Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chân tình mà Chủ tịch Hạ viện Eliane Tillieux và các hạ nghị sĩ dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam. Bà Chủ tịch Hạ viện Bỉ đánh giá cao vị thế, vai trò đối ngoại và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, mong muốn đẩy mạnh hợp tác để cùng ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng. Hai bên bày tỏ vui mừng về mối quan hệ hai nước có bề dầy lịch sử, chiều sâu, đa dạng, hiệu quả, phát triển tích cực bất chấp điều kiện của đại dịch COVID-19, nhất trí tăng cường hợp tác và trao đổi đoàn ở các ngành, các cấp, các địa phương giữa các cơ quan lập pháp hai nước; phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới; phát huy vai trò cầu nối của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trân trọng chuyển lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời Chủ tịch Hạ viện Bỉ thăm Việt Nam trong năm 2023.
Về kinh tế - thương mại, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Nghị viện Liên bang Bỉ sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA); ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam; hỗ trợ về nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Bỉ khẳng định EVIPA là một ưu tiên hàng đầu và đang trao đổi nội bộ để sớm thông qua; đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi nghề cá bền vững; nhấn mạnh nhiều nhà đầu tư Bỉ mong muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam.
Nhất trí với các đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc làm sâu sắc khuôn khổ Đối tác chiến lược về nông nghiệp giữa hai nước, Chủ tịch Hạ viện Bỉ chia sẻ quan tâm đến hợp tác nông nghiệp bền vững; hoan nghênh việc hai bên đẩy mạnh hợp tác nhằm cùng ứng phó với đứt gãy chuỗi cung ứng và an ninh lương thực toàn cầu.
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bỉ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính và công nghệ nhằm phát triển năng lượng tái tạo và ngành công nghiệp phụ trợ. Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Bỉ bày tỏ thiện chí sẵn sàng tăng cường hợp tác trong triển khai các sáng kiến và cam kết quốc tế để cùng nhau vượt qua thách thức về biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết hiện có khoảng 13.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Bỉ, là một nhịp cầu nối cho quan hệ hai nước; đề nghị Bỉ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam hội nhập thành công và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và sự đa dạng văn hóa của Bỉ. Bà Chủ tịch Hạ viện đánh giá cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ hội nhập thành công nhất, luôn dành tình cảm và sự ủng hộ thuận lợi để cộng đồng tiếp tục phát triển. Bà Chủ tịch Hạ viện bày tỏ quan tâm, ủng hộ hợp tác giữa các vùng của Bỉ với các địa phương của Việt Nam, đẩy mạnh giao lưu nhân dân và các hoạt động văn hóa để gia tăng hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Thăm trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao hàng đầu EU
Chiều 15/12 (giờ địa phương), trong chương trình chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc với Trung tâm IMEC tại TP. Leuven, Vùng Flanders, một trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao hàng đầu của Bỉ, cũng như của EU.
Cuộc làm việc nhằm tìm hiểu kinh nghiệm, trao đổi giải pháp để thúc đẩy hoạt động hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Bỉ thời gian tới.
Ông Johan Hanssens, Tổng Thư ký chính quyền Vùng Flanders cho biết, Flanders là một trong những vùng đứng đầu thế giới trong việc chi tiêu cho nghiên cứu phát triển, với 3,6% GDP dành cho lĩnh vực này. Vùng có 18 trường đại học, 4 trung tâm nghiên cứu chiến lược, trong đó có IMEC.
Ông Luc Van den hove, Chủ tịch Trung tâm cho biết IMEC (Interuniversity Microelectronics Center) thành lập năm 1984, là một tổ chức phi lợi nhuận của Bỉ chuyên về nghiên cứu và phát triển công nghệ số và công nghệ nano trong lĩnh vực điện tử. Ông khẳng định IMEC là một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới với cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và hoạt động hợp tác với các công ty hàng đầu như Samsung, Intel, TMSC, Meta, Sony, Google, Apple, Microsoft…
Các lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm là thu nhỏ chip bán dẫn ứng dụng trong khoa học máy tính; năng lượng thông minh (hệ thống đường dẫn điện hiệu quả cao; sản xuất và lưu trữ năng lượng mặt trời;…); nghiên cứu trí tuệ nhân tạo; thành phố thông minh và ứng dụng internet vạn vật; hệ thống cảm biến hình ảnh; sức khỏe (chip não bộ, thiết bị y tế cho phi hành gia)…
IMEC được quản lý bởi hội đồng gồm doanh nghiệp trong ngành, chính quyền và các trường đại học Vùng Flanders. Tại TP. Leuven của vùng Flanders, IMEC có cơ sở nghiên cứu và xử lý chất bán dẫn khoảng 12.000 ha. IMEC cũng có văn phòng và khu R&D tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Hà Lan, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ với khoảng 5.500 nghiên cứu viên từ 90 quốc gia. Bên cạnh nghiên cứu, IMEC cũng hỗ trợ doanh nghiệp về giấy phép, đào tạo, thử nghiệm… Năm 2021, IMEC đạt doanh thu khoảng 732 triệu EUR và năm 2022 dự kiến đạt khoảng 825 triệu EUR; trong đó 75% doanh thu đến từ các doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hạ tầng, con người và kết nối là những yếu tố làm nên thành công của IMEC. Thủ tướng đề nghị IMEC tăng cường hợp tác, kết nối với Việt Nam với vai trò là một thị trường, nơi nghiên cứu và nền văn hóa có thể bổ sung cho thành công của IMEC, đồng thời giúp Việt Nam có thể có bước tiến nhanh chóng với tinh thần cùng thắng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Thủ tướng cho rằng, việc hợp tác phải có bắt đầu thì mới có thể về đích, đề nghị hai bên hợp tác với lộ trình, bước đi phù hợp, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp.