Chong đèn tiết kiệm, hiệu quả cho thanh long

Tiết kiệm 2/3 lượng điện năng tiêu thụ, giảm tỉ lệ bóng hư hỏng khi gặp mưa gió từ 7,8% xuống 0,5%, số lượng ra hoa và tỷ lệ số trái chín/trụ đạt ngưỡng tối đa.

Đó là kết quả mới được Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận đưa ra sau khảo nghiệm hiệu quả sử dụng bóng compact chống ẩm Điện Quang 20W thay thế cho đèn sợi đốt 60W để xử lý thanh long ra hoa trái vụ.

Các năm qua nhu cầu điện chong đèn thanh long của Bình Thuận liên tục tăng với tốc độ rất cao, trung bình 48%/năm. Riêng trong năm 2011, sản lượng điện tiêu thụ của phụ tải chong đèn thanh long chiếm 26,3% tổng sản lượng thương phẩm toàn tỉnh.

Trước sự quá tải về lượng điện cung cấp, một trong những giải pháp được Sở Công thương và Công ty Điện Lực tính Bình Thuận tính đến là tiết giảm 50% công suất trạm biến áp khách hàng.

Để giúp nông dân chủ động ứng phó đảm bảo sản xuất trong tình hình thiếu điện, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Thanh Long Bình Thuận phối hợp với Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang xây dựng mô hình chiếu sáng tiết kiệm hiệu quả bằng bóng đèn compact, chống ẩm trên cây Thanh Long, nhằm ứng phó với tình hình thiếu điện trầm trọng hiện nay.

Quy mô khảo nghiệm một ha ở vườn thanh long ba năm, tại Trạm thực nghiệm thanh long Hàm Minh với hai nghiệm thức để so sánh: Sử dụng 100% bóng đèn Compact 20W ánh sáng vàng, quy mô 870 trụ sử dụng 100% bóng sợi đốt 60W, quy mô 240 trụ.

Sau 19 ngày thắp đèn, mỗi đêm trung bình 10 giờ, cho thấy, so với sử dụng bóng sợi đốt 60W, bóng compact chống ẩm 20W có khả năng tiết kiệm 2/3 lượng điện năng tiêu thụ, khả năng số cành ra nụ bằng nhau đạt ngưỡng tối ưu, chất lượng số trái chín/trụ chiếm 96,45% so với số hoa/trụ ở giai đoạn nở, tỉ lệ bóng đèn hư hỏng trong thời gian chong đèn trong điều kiện thời tiết bất lợi của bóng đèn Compact 20W, thấp hơn so với đèn sợi đốt…

Đặc biệt, khi sử dụng đèn compact chống ẩm chong xử lý cho cây thanh long trái vụ thì nụ chỉ tập trung ở những cành già cành khoẻ mạnh. Trong khi đó, ở khu vực đèn sợi đốt thì nụ ở cả những cành non, phải tiến hành tỉa bỏ mất công, vừa mất đi lượng nụ hoa đáng kể của mùa sau (những mắt đã ra hoa sẽ không tiếp tục ra hoa ở vụ kế tiếp), vừa gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của cây trồng.

Kết quả khảo nghiệm được đưa ra là tin vui không chỉ cho bà con nông dân, mà còn cho cả ngành điện địa phương.

Với việc áp dụng mô hình sử dụng bóng đèn compact chống ẩm của Điện Quang để chong đèn cho thanh long trái vụ, bà con nông dân có thể hoàn toàn yên tâm về năng suất mùa vụ, đồng thời nếu được nhân rộng mô hình sẽ giúp ngành điện giảm bớt áp lực trong việc cung ứng điện.

Theo Đăng lại