Chống COVID-19, Hà Nội cần lưu ý đến cả quán bia

TPO - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho hay, thành phố đã yêu cầu tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ kinh doanh không cần thiết. Theo ông, cần lưu ý đến cả các quán bia cũng thuộc diện kinh doanh không thiết yếu và phải thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của thành phố.
Ông Hoàng Đức Hạnh

Chiều 25/3, báo cáo tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin, tính đến 12h ngày 25/3, theo số liệu công bố của Ban Chỉ đạo quốc gia thì Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 43 trường hợp nhiễm COVID-19.

"Theo kết quả giám sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến 12h ngày 25/3, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 52 trường hợp có xét nghiệm dương tính", ông Hạnh nói, đồng thời cho biết, đây là kết quả xét nghiệm khẳng định của CDC Hà Nội.

Ông Hạnh cho biết, trong đó, ghi nhận 5 trường hợp là người ngoại tỉnh có xét nghiệm dương tính đang thực hiện cách ly tại các điểm cách ly tập trung của Hà Nội gồm: Nghệ An, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang.

Nếu phân theo quận, huyện, Ba Đình có 7 trường hợp; Hoàn Kiếm (4); Long Biên (2); Hai Bà Trưng (3); Thanh Xuân (2); các quận, huyện Đống Đa, Hà Đông, Đan Phượng, Cầu Giấy, Hoàng Mai có 1 ca dương tính.

27 trường hợp là người dân Hà Nội về từ các nước được phát hiện qua sàng lọc tại sân bay Nội Bài và khu cách ly tập trung (chưa về địa phương), 1 trường hợp quá cảnh (transit) tại sân bay Nội Bài sau đó đi Singapore; 1 trường hợp là bác sĩ khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh.

"Số ca mắc bệnh tại Hà Nội trong những ngày qua tăng trong xu hướng chung của cả nước, tuy nhiên, các ca mắc chủ yếu là các ca xâm nhập từ nước khác về", ông Hạnh nói.

Theo ông Hạnh, trong số 52 ca dương tính, có 44 trường hợp đi từ vùng, quốc gia có dịch về; 2 trường hợp là nhân viên y tế của bệnh viện Bạch Mai; 5 trường hợp lây qua tiếp xúc gần gồm 3 trường hợp bệnh nhân số 19, 20, 47 do tiếp xúc gần với bệnh nhân số 17; trường hợp bệnh nhân số 39 tiếp xúc gần với ca mắc là du khách người Anh (bệnh nhân số 24) trên chuyến bay VN0054 ngày 2/3 và 1 trường hợp là con gái của bệnh nhân số 86 (nhân viên bệnh viện Bạch Mai). 1 trường hợp là bác sĩ khoa cấp cứu bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh. 

Theo báo cáo của ông Hạnh, trên địa bàn thành phố, tổng cộng có 1.164 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với các ca dương tính. Đã thực hiện cách ly 1.162 trường hợp, 2 trường hợp di chuyển nơi khác. Đã lấy mẫu 1.114 trường hợp, còn 48 trường hợp đang liên hệ lấy mẫu. Kết quả 980 trường hợp có xét nghiệm âm tính, 9 trường hợp dương tính, còn lại 125 trường hợp đang đợi kết quả. Hiện tại còn 553 trường hợp phải cách ly theo dõi sức khỏe, 609 trường hợp hết cách ly.

 Số người tiếp xúc dạng F2 là 5.584 người, đã hết thời gian theo dõi sức khỏe 3.667 trường hợp, hiện còn theo dõi sức khỏe 1.917 người.

Thành phố cũng tổ chức cách ly và giám sát sức khỏe đổi với 3.042 trường hợp người đi về từ vùng dịch từ ngày 7/3 đến nay, đã lấy được 2.128 mẫu xét nghiệm trong đó 993 trường hợp có kết quả âm tính, 4 trường hợp có kết quả dương tính, còn lại chưa có kết quả. Đã thực hiện cách ly 3.042 trường hợp, hiện tại còn 2.354 người phải cách ly theo dõi sức khỏe, 688 trường hợp hết thời gian.

Ông Hạnh cũng cho biết, nhiều quận, huyện vẫn không thực hiện nghiêm túc việc cấm tụ tập, hạn chế các nơi kinh doanh đông người. Ông Hạnh cho rằng, cần lưu ý đến cả các quán bia, cũng thuộc diện kinh doanh không thiết yếu thì phải làm nghiêm theo chỉ đạo của thành phố. 

"Các quận huyện xã phường phải quán triệt nghiêm. Bây giờ việc tập trung đông người vẫn diễn ra", ông Hạnh nói, đồng thời lấy ví dụ cả việc người dân tụ tập đi lễ phủ Tây Hồ ngày Mùng 1 tháng 3 Âm lịch.

Cũng theo ông Hạnh, hiện nay dù chủ yếu các ca bệnh trên địa bàn là từ nước ngoài về, trong đó phần lớn là du học sinh, sinh viên. Nhưng cũng có biểu hiện lây lan ở cộng đồng như các trường hợp ở bệnh viện Bạch Mai, trường hợp bệnh nhân 17. 

"Các trường hợp chưa được đi cách ly tập trung qua rà soát, xét nghiệm đã có những ca dương tính, vì thế đã có mầm bệnh trên cộng đồng, số lượng ca bệnh trong thời gian tới có thể sẽ tăng", ông Hạnh nói. Theo ông Hạnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cần phải điều tra trong cộng đồng, xem có người nhiễm COVID-19 hay không. "Những người ho, sốt mà không đi đâu thì phải rà soát, phát hiện để chống dịch, thay đổi chiến lược chống dịch", ông Hạnh nói.

Ông Hạnh cũng lưu ý cần thực hiện nghiêm các quy định trong các khu cách ly tập trung, tránh tình trạng người đang cách ly tập trung đánh tá lả, nói chuyện với nhau, nguy cơ lây nhiễm chéo. 

Ông Hạnh cũng cho rằng, cần thực hiện khuyến cáo người dân tập trung ở nhà, nếu phải ra đường thì giữ khoảng cách 2 - 3 mét với nhau. Sát khuẩn, rửa tay nhiều lần. "Người dân cần thực hiện tự giác. Nếu không tự giác thì rất khó khăn", ông Hạnh nói.