Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tập trung tách nhóm nguy cơ, tránh lây lan dịch COVID-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với T.Ư Đoàn. Ảnh: Xuân Tùng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với T.Ư Đoàn. Ảnh: Xuân Tùng
TPO - Trong chương trình làm việc với Ban Bí thư T.Ư Đoàn ngày 25/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương, tập trung tách nhóm nguy cơ ra khỏi cộng đồng để tránh lây lan bệnh để tranh thủ được thời điểm vàng; không được tụ tập đông người, phải từ bỏ một số thói quen để hạn chế lây lan cộng đồng; thay đổi phương pháp làm việc, sử dụng công nghệ.

Sáng nay (25/3), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban Bí thư T.Ư Đoàn. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chánh Văn phòng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong và các đồng chí trong Ban Bí thư T.Ư Đoàn: Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Quang Huy, Nguyễn Ngọc Lương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tập trung tách nhóm nguy cơ, tránh lây lan dịch COVID-19 ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu định hướng chương trình làm việc với Ban Bí thư T.Ư Đoàn. Ảnh: Xuân Tùng

Tại chương trình, anh Lê Quốc Phong - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên làm việc với T.Ư Đoàn năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tập trung tách nhóm nguy cơ, tránh lây lan dịch COVID-19 ảnh 3

Anh Lê Quốc Phong - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn báo cáo tại phiên làm việc với Thủ tướng. Ảnh: Xuân Tùng

 Anh Lê Quốc Phong cũng trình bày 17 đề xuất kiến nghị, trong đó có các nội dung: Đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo thực hiện nội dung đã kết luận tại buổi làm việc với T.Ư Đoàn các năm 2018, 2019.

 Đề xuất Chính phủ chỉ đạo tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021 - 2030; sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi giai đoạn 2015 - 2020. Đề xuất về hỗ trợ điều kiện cơ chế để Đoàn thực hiện nhiệm vụ tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; về công tác đoàn kết tập hợp, phát huy thanh niên sinh viên Việt Nam ở ngoài nước.

 Bên cạnh đó, đề xuất thành lập Chương trình Sáng kiến thanh niên vì cộng đồng làm nơi tiếp nhận các dự án vì cộng đồng của các tầng lớp thanh niên trong và ngoài nước hàng năm. Các dự án đạt yêu cầu và khả thi sẽ được tiếp nhận sự hỗ trợ từ nguồn lực của Chính phủ để triển khai thực hiện, mức hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/năm. Chính phủ sẽ dành nguồn kinh phí từ ngân sách để đảm bảo điều kiện để triển khai chương trình; mức kinh phí đề xuất 200 tỷ đồng/năm (tương ứng tối đa 200 dự án/năm).

 Anh Lê Quốc Phong đã báo cáo về kết quả hoạt động tổ chức Đoàn và đoàn viên thanh niên tham gia phòng chống dịch Covid-19.

 Tại chương trình đã nghe ý kiến trao đổi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chánh Văn phòng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và đại diện các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả hoạt động của các bộ ngành, cũng như các chương trình phối hợp với T.Ư Đoàn.

Tổ chức các đội hình hướng dẫn, giúp đỡ người dân khai báo y tế

 Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận: Đoàn đã có nhiều hoạt động phong phú. Trong năm 2019 có chủ đề "Năm Thanh niên tình nguyện" đã có nhiều đóng góp cụ thể. "Đặc biệt gần 3 tháng qua, cán bộ đoàn viên thanh niên các cấp đã làm nhiều việc, xung kích thực hiện “chống dịch như chống giặc” như tổ chức các điểm rửa tay, sinh viên ngành y tình nguyện hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ, nhóm phát khẩu trang miễn phí…", Thủ tướng nói.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến nước ta, đoàn viên thanh niên phải phát huy vai trò tiên phong, bản lĩnh, nhiệt huyết, vượt qua khó khăn thử thách; có hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên, cống hiến, có sức sáng tạo mới để phục vụ nhân dân, đất nước.

 Tổ chức Đoàn cần huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động phòng chống dịch, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ phòng chống dịch. Tổ chức các đội hình tình nguyện vận động hướng dẫn, giúp đỡ người dân khai báo y tế để phân loại các nhóm người già, người có bệnh nền, người yếu thế, người có nguy cơ. Phát huy sáng kiến của đoàn viên thanh niên, nhất là đội ngũ trí thức để phòng chống dịch bằng các giải pháp công nghệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tập trung tách nhóm nguy cơ, tránh lây lan dịch COVID-19 ảnh 5 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Xuân Tùng

 Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị T.Ư Đoàn tiếp tục xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới với năng lực, phẩm chất, bản lĩnh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, “càng khó khăn, thanh niên đều phải vượt qua”; tăng cường phối hợp, chăm lo tốt hơn nhu cầu, lợi ích của thanh niên, tạo cơ hội cho thanh niên tiếp cận các cơ hội việc làm, công tác, học tập. Thủ tướng cũng đã cho ý kiến với 17 kiến nghị của T.Ư Đoàn.

Trao đổi về việc khai báo y tế tự nguyện, Thủ tướng nhấn mạnh không chỉ 6,3 triệu đoàn viên tham gia khai báo y tế tự nguyện tốt nhất mà còn giúp người dân khai báo y tế hiệu quả. Đồng thời, khẳng định chủ trương cần tập trung tách nhóm nguy cơ ra khỏi cộng đồng để tránh lây lan bệnh để tranh thủ được thời điểm vàng; không được tụ tập đông người, phải từ bỏ một số thói quen để hạn chế lây lan cộng đồng; thay đổi phương pháp làm việc, sử dụng công nghệ

Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt và trao quà chúc mừng 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 và 10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2019.
Nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chúc mừng tới đoàn viên thanh niên cả nước; tặng hoa chúc mừng các đồng chí trong Ban Bí thư T.Ư Đoàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tập trung tách nhóm nguy cơ, tránh lây lan dịch COVID-19 ảnh 6 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Ban Bí thư T.Ư Đoàn. Ảnh: Xuân Tùng
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.