Hợp tác xử lý tiêu hủy dioxin Việt Nam - Hoa Kỳ

Chôn nỗi đau quá khứ, mở đường đến tương lai

TP - “Dự án này chôn vùi, khắc phục hậu quả quá khứ, mở con đường đến tương lai tốt đẹp giữa hai nước” – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại lễ khởi động hệ thống xử lý nhiệt sáng qua tại sân bay Đà Nẵng.
Ấn nút khởi động xử lý nhiệt

Lễ khởi động hệ thống xử lý nhiệt thuộc dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng do Bộ Quốc phòng Việt Nam, cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam tổ chức.

Theo USAID, giai đoạn 1 dự án xử lý tiêu hủy dioxin ở sân bay Đà Nẵng (trị giá 84 triệu USD do Hoa Kỳ tài trợ) đã hoàn tất với việc đào xúc đất bị ô nhiễm cho vào các mố. Việc xử lý đốt nóng bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài khoảng 4 tháng. Dự kiến tổng thể dự án hoàn thành và trao trả mặt bằng vào cuối năm 2016.

Sáng qua (19/4), Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Chủ tịch Thượng nghị viện Hoa Kỳ Patrick Leahy, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear… cùng quan chức các ban ngành liên quan đã nhấn nút, chính thức khởi động quá trình hấp nhiệt số lượng đất bị nhiễm dioxin.

Khoảng 45 ngàn m3 đất trong số 73 ngàn m3 đất bị nhiễm ở sân bay Đà Nẵng chứa trong các mố sẽ được xử lý triệt để bằng cách nung nóng ở nhiệt độ tối thiểu là 335 độ C (570 độ F). Theo các chuyên gia, đất và bùn bị nhiễm được nung nóng ở nhiệt độ trong 1254 giếng truyền nhiệt, 95% lượng dioxin bi tiêu hủy trong kết cấu. Số còn lại, khoảng 5% được thu gom dưới dạng lỏng hoặc hơi và được xử lý sạch triệt để khi đưa ra môi trường.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David Shear đánh giá cao nỗ lực thực hiện dự án của cả hai phía và cho rằng, hướng về tương lai, USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam đang phát huy những tiến bộ đầy ấn tượng của dự án này và mở rộng quan hệ đối tác để tiến hành đánh giá môi trường tại sân bay Biên Hòa.

Việc đánh giá sẽ giúp xác định quy mô và mức độ ô nhiễm dioxin tại đó và đánh giá một cách khoa học những phương pháp đã được chứng minh nhằm cách ly và làm sạch dioxin. “Tôi không thể nghĩ được ví dụ nào tốt hơn dự án này để nói về tình hữu nghị ngày càng phát triển của hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ chúng ta” - Đại sứ David Shear nói.

Chứng kiến lễ ấn nút khởi động còn có một nhân vật rất đặc biệt, người có ảnh hưởng lớn đến các quá trình của dự án tẩy rửa dioxin của Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng như nỗ lực chung giữa hai nước trong viêc giải quyết hậu quả chất độc da cam. Đó là Chủ tịch thượng viện Hoa Kỳ, nghị sĩ Patrick Leahy.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, vào năm 1975, trong những lá phiếu đầu tiên trên cương vị này đã bỏ phiếu dừng hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Theo Thượng nghị sĩ Leahy, đoàn nghị sĩ gồm 5 thành viên của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa cùng tới Việt Nam lần này chứng tỏ rằng, Hoa Kỳ, không phân biệt đảng phái nào, đều có chung mục đích hàn gắn, giải quyết hậu quả chiến tranh và tiến tới một quan hệ tốt đẹp với phía Việt Nam.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy cho hay, có 4 mục tiêu của Hoa Kỳ tại Đà Nẵng thông qua dự án này, gồm: loại bỏ mối đe dọa dioxin cho người dân sinh sống ở đây; chứng minh rằng, sau nhiều năm, Hoa Kỳ không phớt lờ vấn đề này; chứng minh rằng, hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ có thể hợp tác cùng nhau để giải quyết vấn đề mà trong suốt 3 thập kỷ qua đã cản trở hai nước thúc đẩy mối quan hệ đến tốt đẹp hơn; và cuối cùng là cải thiện các dịch vụ dành cho người khuyết tật, bất kể nguyên nhân là gì.