Công nhân vệ sinh than trời
Ở khu vực quận Thanh Xuân và quận Hà Đông, cầu vượt đi bộ ở Học viện An ninh nhân dân trở thành nơi tụ tập của nhiều bạn trẻ từ chập tối đến tận đêm khuya. Cô Nguyễn Thị Hòa (52 tuổi) nhân viên vệ sinh phụ trách khu vực cầu An Ninh cho biết: “Tôi đã làm việc ở đây được 5 năm, trước đây cán bộ công an cũng có xử phạt nhưng dạo này thì không còn thấy. Tổ dân phố cũng chỉ đi dẹp đến 22h là nghỉ vì hết giờ làm việc. Mà có dẹp thì chỉ dẹp được một lúc thôi, đám thanh niên giải tán xong lại quay lại, có hôm ngồi đến sáng luôn, còn mang cả bánh lên cầu tổ chức sinh nhật”.
Theo cô Hòa, gần như không có ngày nào mà thanh niên lại không lên đây nhậu nhẹt rồi hát hò. May ra vào mấy ngày mưa, do cầu chưa có hiên che chắn, nền bị ướt không ngồi được thì mới vắng, đấy cũng là những ngày nhàn nhất của cô.
Nằm ở nút giao của ngã tư Cầu Giấy, vị trí này tập trung rất nhiều trường cao đẳng đại học, cầu vượt đi bộ nằm trên con phố Hồ Tùng Mậu cũng luôn đông sinh viên tới ngồi mỗi đêm mặc dù hai bên đầu cầu tổ dân phố đã treo biển cấm tụ tập ăn uống.
Qua phản ánh của người dân khu vực, hiện tượng này đã xuất hiện từ lâu gây ồn ào và ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của mọi người.
Chỗ chơi thoải mái?
Thời gian gần đây, một địa điểm mới toanh tiếp tục được một số người trẻ lựa chọn và “đưa vào hoạt động đêm” là cây cầu vượt đi bộ qua đường Nguyễn Trãi thuộc quận Thanh Xuân, lối lên xuống của cầu gần cổng Trường Đại học Hà Nội và ngay đầu phố Triều Khúc. Tương tự như những cây cầu đi bộ khác, cầu Đại học Hà Nội cũng là một địa điểm thoáng mát, rộng rãi và được các bạn trẻ nhận xét là “khá chill (thư giãn, thoải mái)”.
Cầu được xây dựng gần khu trọ sinh viên của các trường như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Tự nhiên, ĐH Hà Nội, ĐH Công nghệ Giao thông vận tải,... nên dù mới được đưa vào hoạt động chính thức từ đầu năm 2022, nơi đây đã nhanh chóng trở thành địa điểm lý tưởng để các nhóm bạn trẻ đến giao lưu vào ban đêm.
Một nhóm bạn trẻ chia sẻ: “Thi thoảng cảm thấy stress quá chúng em chọn lên cầu ngồi cũng chỉ để ca hát, ăn uống, trò chuyện vô tư vì trên đây không bị ai soi mói và để ý như khi vào quán nước ngồi. Ở trên cầu ngắm xe cộ đi lại tấp nập cũng tạo cảm giác thích thú. Điều thú vị là bọn em còn được giao lưu đàn hát, gặp gỡ trò chuyện với rất nhiều bạn mới cùng lứa tuổi”.
Sau những cuộc vui vô tư thoải mái là hàng loạt rác thải: lon bia, vỏ chai nước ngọt, vỏ bánh kẹo, tàn thuốc lá, hộp nhựa bị vứt ngổn ngang, bừa bãi khắp nơi trên cầu, thậm chí ném xuống lòng đường. Nhiều lỗ thoát nước đã bị vỏ túi ni-lông chặn lại dẫn đến tình trạng trời mưa nước bị ứ đọng thành vũng lớn trên cầu trơn trượt gây nguy hiểm cho người đi lại.
Bác Nguyễn Văn Thành - 62 tuổi là một cư dân sinh sống ở khu vực gần cầu bức xúc: “Mới chỉ vài năm gần đây thôi, cầu đi bộ tự dưng biến thành nơi tụ tập ăn chơi của đám trẻ. Nhiều đêm tôi mất ngủ, 2h sáng vẫn thấy đám trẻ đứng đầy trên cầu hò hét, ca hát rồi ăn nhậu đủ cả. Dân bức xúc phản ánh lên chính quyền, họ cũng có can thiệp, nhưng chỉ giải tán được một lúc rồi lại đâu vào đó”.
Chung Anh – sinh viên Đại học Mở Hà Nội chia sẻ: “Em thuê trọ gần đây, mỗi tối đi học hay đi làm về em đều đi qua cầu đi bộ để sang đường cho an toàn, nhưng nhiều lúc đi qua cầu cảm thấy hơi e ngại. Càng về đêm muộn cầu càng đông đúc hơn, các bạn ngồi kín hai bên thành cầu ca hát, nhậu nhẹt hoặc chơi bài, thậm chí còn ngồi chắn hết lối cả lối đi”.