Hậu Zone9
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chủ trì hội thảo “Phát huy tiềm năng, thế mạnh của các không gian sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô thời kỳ hội nhập và phát triển”, sáng 11/10. Không khô cứng, vĩ mô như tên gọi, phần lớn chuyên gia văn hoá, nghệ sỹ nồng nhiệt chào đón ý tưởng của Hà Nội, cùng phân tích và lấy dẫn chứng về bức tranh thành phố sáng tạo nằm trong tầm với.
Giới trẻ Hà Nội từng một thời đổ dồn về Zone 9-tổ hợp không gian sáng tạo là nơi lui tới của nhiều nghệ sĩ, giới trẻ và những người ưa sáng tạo. Vụ cháy quán bar khiến sáu người chết đặt dấu chấm hết cho Zone 9, nhưng lại mở ra thời kỳ bùng nổ các không gian sáng tạo thế hệ sau.
Giờ Hà Nội không thiếu những không gian tương tự, lại được đầu tư hơn như Hanoi Creative City (Lương Yên), Heritage Space (Trần Bình), Manzi (Phan Huy Ích), Ơ kìa Hà Nội (Hoàng Hoa Thám), The Vuon (Giảng Võ) và cả những không gian ảo tập hợp thông tin về hoạt động văn hóa nghệ thuật như Hanoi Grapvine.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo VCE nhắc tới hợp tác xã làm tranh vải của người khuyết tật mang tên Vụn ở làng lụa Vạn Phúc như một ví dụ về mô hình hoạt động của không gian sáng tạo. Sở dĩ hợp tác xã này thu hút khách du lịch nước ngoài bởi họ có thể chứng kiến sự tài năng của họa sĩ với vải lụa Hà Đông, qua đôi bàn tay khéo léo của người khuyết tật.
“Hội đồng Anh gần đây có khảo sát cho thấy không gian sáng tạo ở Hà Nội chủ yếu vẫn khiêm tốn, xây dựng bằng đam mê và đầu tư hạn chế của một số cá nhân. Điều này dẫn tới tính bền vững không cao, chủ yếu dựa trên nguồn kinh phí hạn hẹp, đất đai đi thuê mượn nên tạm bợ. Các không gian này chưa được quản trị chuyên nghiệp, nhất là các vướng mắc về mô hình kinh doanh, tài chính, xây dựng thương hiệu, nhân sự”, ông Lê Quốc Vinh nói.
Mặc dù số lượng hơn 60 không gian sáng tạo khác nhau ở Hà Nội là con số đáng mừng, nhưng nhiều người cho rằng nó vẫn khiêm tốn so với tiềm năng của trung tâm văn hoá, kinh tế thủ đô. Hội An được nhắc tới như một không gian sáng tạo ở cấp độ đô thị với ngành nghề thủ công mỹ nghệ, thời trang, âm nhạc, du lịch. Vì vậy Hà Nội cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Thành phố sáng tạo
Đánh giá cao các không gian sáng tạo riêng lẻ hình thành và phát triển vài năm gần đây, tuy nhiên ông Lê Quốc Vinh cho rằng thành phố Hà Nội phải là một không gian sáng tạo lớn. Nhìn rộng ra khu vực, Chiang Mai của Thái Lan cũng là một đô thị đặc biệt thu hút du khách với các không gian sáng tạo, sự kiện đình đám quanh năm. Hà Nội cần không khí nghệ thuật bao trùm thành phố với những áp phích quảng bá hoạt động khắp nơi, sản phẩm nghệ thuật rộn ràng như các liên hoan hoặc triển lãm quy mô lớn, sự kiện âm nhạc miên man chứ không chỉ lẻ tẻ như Lễ hội âm nhạc Gió Mùa...
Ông Lê Quốc Vinh cho rằng “điều quan trọng không kém là những khu phố, những đoạn đường mang màu sắc của nghệ thuật, sáng tạo”. Hà Nội vốn sở hữu nhiều không gian lý tưởng cho nghệ thuật, sáng tạo như phố đi bộ Hồ Gươm, phố sách Lý Thường Kiệt, Hoàng thành Thăng Long, công viên Lý Thái Tổ, công viên Thống Nhất và hệ thống bảo tàng, nhà văn hoá.
KTS Đoàn Kỳ Thanh, cha đẻ của dự án Zone 9, không gian đi bộ Trịnh Công Sơn, Hanoi Creative City nói bên lề hội thảo rằng anh chưa thực sự hài lòng với Hanoi Creative City. Tổ hợp không gian sáng tạo đòi hỏi yêu cầu về vật lí như không gian trong nhà, ngoài nhà, không gian lớn tổ chức sự kiện quy mô, có thể dễ dàng tiếp cận giao thông và hạ tầng kỹ thuật tốt hơn. Khu này chưa có điều đó vì bên ngoài chật chội, bên trong chạy theo chiều đứng nên chưa đáp ứng việc kết nối, tổ chức sự kiện. Hiện nay khu vực này quy tụ chủ yếu là các studio nhỏ, không có cơ hội tạo dựng không gian giống như phố nghệ thuật, quận nghệ thuật. “Hà Nội phải có quận nghệ thuật như ở Bắc Kinh, phố nghệ thuật như Liverpool, Miami”, KTS. Đoàn Kỳ Thanh nói.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa, Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phân tích, muốn các không gian sáng tạo ở Việt Nam phát triển cần sự thừa nhận của nhà nước. Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội lấy làm tiếc vì không giữ được Zone 9, nhưng hứa hẹn Hà Nội kịp có nhiều chính sách chuẩn bị cho hàng chục không gian như thế.
Ông Phong nhắc tới con số tăng trưởng du lịch ấn tượng của Hà Nội, tuy nhiên điều đáng buồn là sự đóng góp vào GDP của thành phố chưa cao. Hạn chế này cũng chính là động lực để Hà Nội bắt tay với những người đứng đầu các nhóm không gian sáng tạo làm nên các sản phẩm du lịch mang hàm lượng đặc trưng của Hà Nội, tạo cơ hội cho công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo phát triển.
Điều mà KTS. Đoàn Kỳ Thanh cũng như nhiều chuyên gia quan tâm là hành động cụ thể sau cuộc hội thảo trên lý thuyết. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhắc tới chính sách của Hà Nội về khởi nghiệp. Tới năm 2020, Hà Nội dự kiến có thêm 25 công viên trong đó có công viên lớn tới hơn 100 hecta.
Trong công viên ấy Hà Nội dự tính tới không gian dành cho trưng bày các sáng tạo của giới văn nghệ sĩ thủ đô. Thành phố cũng nhận được đề xuất thành lập thêm không gian văn hoá nghệ thuật khác. Bên cạnh không gian công cộng như phố đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Hà Nội sẽ có nhiều hơn những không gian vật lý để kết nối những người sáng tạo, đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo và công nghiệp văn hoá.
KTS Đoàn Kỳ Thanh nói, anh còn nhiều ý tưởng về các không gian sáng tạo ở Hà Nội. “Tôi nghĩ không hề khó vì quỹ đất Hà Nội còn nhiều. Ví dụ khu Zone 9 vốn là nơi chứa rác thải y tế, hoang tàn đổ nát mà chúng ta còn làm nên điểm đến hấp dẫn ở mức độ văn hoá, nghĩa là không có gì ngăn cản những người sáng tạo được”, anh nói. Anh nhắc tới không gian còn bỏ trống ở dọc sông Hồng, các khu nhà máy xe lửa cũ… có thể trở thành nơi lý tưởng để hình thành khu phố nghệ thuật cho Hà Nội.