Cho đi giọt máu yêu thương

TP - Đều đặn mỗi tháng hai lần, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Trái tim tình nguyện TP Đà Nẵng sẽ tập trung tại khoa Xét nghiệm - Truyền máu,  Bệnh viện Ung bướu để hiến những dòng máu nóng cứu giúp cho các bệnh nhân nguy kịch.
Mỗi tháng hiến hai lần, CLB Trái tim tình nguyện đã cung cấp hàng trăm đơn vị máu để cứu giúp các bệnh nhân. Ảnh: Đào Phan.

Mới 7h30 sáng nhưng tại tiền sảnh khoa Xét nghiệm - Truyền máu, Bệnh viện Ung bướu đã chật ních sinh viên các trường ĐH, CĐ xếp hàng chờ đến lượt hiến máu. Đó là đợt hiến máu định kỳ một tháng hai lần của các thành viên của CLB Trái tim tình nguyện.

Nguyễn Thị Ngân (SV năm 3, ĐH Sư phạm) cho biết, mình là một trong những thành viên đầu tiên tham gia thành lập CLB. Mặc dù có thân hình gầy gò nhưng Ngân lại nhận mình người “mê” hiến máu với 7 lần cho máu nóng. “Vốn dĩ em là người rất sợ máu nhưng thấy bạn bè đều tham gia, em lại có ý quyết định hiến cho bằng được. Lần đầu có sợ nhưng về sau quen dần. Đến nay, cứ đúng định kỳ ba tháng một lần, em lại đến bệnh viện hiến máu. Những đợt chưa đủ điều kiện, em phụ trách công tác tổ chức và vận động”, Ngân nói.

Đối với Ngân, sự khó khăn của các bệnh nhân chính là động lực thôi thúc cô cống hiến sức mình để giúp đời. Ngân vẫn nhớ như in hình ảnh nhỏ bé, gầy gò của bé Huỳnh Gia Bảo (1 tuổi, quê ở Quảng Nam), từng điều trị tại khoa Nhi, BV Ung bướu. Bảo bị bệnh ung thư máu nên trên người lúc nào cũng chằng chịt dây truyền và cánh tay chi chít những dấu kim tiêm.

“Nghe ba Gia Bảo kể chuyện thương lắm. Bé bị bệnh từ lúc lọt lòng, chuyển từ các bệnh viện lớn trong Sài Gòn trước khi về đây. Nhà bé rất nghèo nên sau những buổi học, em dành nhiều thời gian lên bệnh viện chơi với bé và trực tiếp cho máu bé. Nhưng mấy tháng trước, em ấy đã ra đi sang thế giới khác…”, Ngân xúc động.

Đỗ Văn Trọng (SV năm 2, trường Cao đẳng Công nghệ) được mọi người trong CLB gọi là Trọng “liều”. Trọng kể, tháng 11 năm ngoái, sau khi cùng bạn bè đi tình nguyện ở Trung tâm nuôi dạy trẻ em khó khăn ở làng Hy Vọng, nhóm thực hiện chuyến hành trình dã ngoại lên đỉnh Bàn Cờ (núi Sơn Trà). Lúc đó, Trọng nhận được điện thoại khẩn từ BV Ung bướu. Ngay lập tức, Trọng chạy xe vượt chặng đường gần 30km từ đỉnh Bàn Cờ về bệnh viện chỉ trong vòng… 12 phút. “Trong đầu em chỉ nghĩ được làm sao chạy về để kịp truyền máu cho bệnh nhân nên chạy tốc độ rất nhanh. Khi hiến máu xong, ngồi nghĩ lại em  mới thấy mình hơi liều”, Trọng hài hước kể lại. Đến nay, Trọng đã 2 lần hiến máu và 7 lần hiến tiểu cầu.

Địa chỉ “đỏ” quen thuộc

Thành lập một CLB tình nguyện về hiến máu cho sinh viên ở trên địa bàn Đà Nẵng là ấp ủ của Võ Phước Khánh (SV ĐH Bách khoa, Chủ nhiệm CLB) sau khi trở về từ Hành trình Đỏ 2014 (hành trình vận động hiến máu xuyên Việt do Bộ Y tế chủ trì). Sau biết bao cố gắng, tháng 12/2014, CLB mang tên Trái tim tình nguyện ra đời.

Thành viên của Trái tim tình nguyện đều là sinh viên đến từ tất cả các trường ĐH, CĐ trên địa bàn chứ không bó hẹp trong một trường nào. “Thành phố Đà Nẵng hiện có hàng chục CLB hiến máu tình nguyện nhưng chỉ có nhóm em tổ chức các đợt hiến thường xuyên nhất với tần suất một tháng hai lần, mỗi lần từ 50 - 100 đơn vị tùy thuộc nhu cầu của bệnh viện và người bệnh. Những tháng nào bệnh viện cần thêm máu thì chúng em sẵn sàng tổ chức thêm. Chỉ riêng từ đầu năm 2015 đến nay, CLB đã tổ chức được gần 15 đợt hiến máu, cứu giúp hàng nghìn người bệnh cần máu”, Phước Khánh cho biết.

Để thuận tiện cho công tác tổ chức, hơn một năm qua, nhóm liên hệ với Khoa Xét nghiệm - Truyền máu, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng để làm địa điểm hiến máu cố định. Chỉ sau hơn một năm đi vào hoạt động, CLB hiện có tới 1.000 thành viên hiến máu dự bị, 30 thành viên tích cực có thể linh động cung cấp máu bất kể khi nào người bệnh cần.

Dẫn dắt nhóm từ ngày đầu mới thành lập, bản thân Khánh cũng đã 6 lần hiến máu nóng cho các bệnh nhân khẩn cấp. Với Khánh, công tác hiến máu đã gắn bó với mình như một phần của cuộc sống. Khánh nói đùa, từ khi đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm, cuộc sống của Khánh cũng đảo lộn theo. Nhiều lúc đang say sưa ngủ, nhận được điện thoại của bệnh viện là phải  bật dậy đi ngay giữa đêm rét. “Thậm chí, có hôm chiều thi mà sáng vẫn lo công tác hiến máu đến tận trưa mới trở về nhà. Nhưng những người làm từ thiện như mình, lấy nụ cười của các bệnh nhân làm động lực để cố gắng”, Khánh chia sẻ.