Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 515/QĐ-TTG ngày 15/5 phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam.
Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực như di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, điện ảnh, thư viện, đào tạo, văn hóa dân tộc, văn hóa đối ngoại, công nghiệp văn hóa...
Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như Bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, phát triển các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng...
Cụ thể, để bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc, sẽ triển khai các chương trình, nhiệm vụ bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo cho khoảng hai di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO ghi danh, khoảng 15 di tích quốc gia đặc biệt có giá trị đang xuống cấp nghiêm trọng, hỗ trợ chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết khoảng 150 di tích cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, thành lập các bảo tàng chuyên ngành cấp quốc gia về nghệ thuật đương đại, nghệ thuật nhiếp ảnh, trung tâm quốc gia về bảo quản hiện vật, trong đó có nhiệm vụ phát triển tổ hợp Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn quốc gia và xây dựng Dàn nhạc dân tộc quốc gia Việt Nam.
Chính phủ giao Bộ VHTTDL - cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình... Bộ VHTTDL phải tổng hợp kiến nghị và đề xuất xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách, cơ chế quản lý, giám sát, cơ chế huy động và quản lý các nguồn lực xã hội hóa trong quá trình thực hiện.
Trong các nhiệm vụ của địa phương, Chính phủ nhấn mạnh trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất, xác định cụ thể nhu cầu về diện tích và vị trí đất dành cho xây dựng công trình văn hóa, dành quỹ đất hợp lý tại các vị trí thuận lợi để đầu tư mới các công trình văn hóa trong khuôn khổ Chương trình. Đối với các khu đô thị mới, ưu tiên bố trí diện tích và vị trí đất cho xây dựng các công trình văn hóa trong khuôn khổ Chương trình.
Theo Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025, Việt Nam phấn đấu trong một năm sản xuất khoảng 45 tác phẩm phim truyện điện ảnh. Mỗi năm có khoảng 45 tác phẩm, công trình điêu khắc mỹ thuật, 60 tác phẩm, công trình mỹ thuật, nhiếp ảnh về lịch sử dân tộc, đấu tranh cách mạng, công cuộc đổi mới đất nước.