Chính phủ kiến tạo và hành động

TP - Kiến tạo và hành động là những gì mà người dân và doanh nghiệp cảm nhận được sau khi Chính phủ kiện toàn nhân sự, với nhiều những gương mặt mới. Từ Thủ tướng, các phó thủ tướng cho đến các bộ trưởng, trưởng ngành đều thể hiện rõ nét tinh thần kiến tạo, những hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc vốn đang gây ra nhiều lo lắng, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Hành động

Ngay sau khi thực hiện xong nghi thức tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội đã khẳng định, sẽ cùng các thành viên nỗ lực xây dựng Chính phủ vững mạnh, đoàn kết, nhất trí, hiệu lực, hiệu quả, hành động quyết liệt, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân… Sau  đó, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các thành viên sớm chuyển giao công việc cho người kế nhiệm, bắt tay ngay vào công việc mới được giao, toàn tâm, toàn ý tập trung vào nhiệm vụ mới. 

Thủ tướng cũng liệt kê những nhiệm vụ cấp bách cần tập trung giải quyết ngay như, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá; giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp; tăng cường cải cách hành chính và giải quyết vấn đề xã hội nhức nhối như vệ sinh an toàn thực phẩm…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau khi được kiện toàn. Ảnh: Như Ý.

Trước  “lực cản” về thủ tục hành chính, Thủ tướng cũng yêu cầu, mỗi thành viên Chính phủ phải đổi mới cách làm dân chủ, minh bạch, cởi mở, quyết đoán, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không để tình trạng trì trệ xảy ra trong bộ máy hành chính. Chính phủ cần nâng cao kỷ cương, kỷ luật, chống bệnh hình thức, nói mà không đi đôi với làm, quyết liệt hành động vì sự phát triển đất nước. Ông cũng nhanh chóng phân công công tác của Thủ tướng và các phó thủ tướng để bắt tay ngay vào công việc…

“Cái gì kìm hãm thì phải bỏ ngay, cái gì có lợi cho dân thì nỗ lực thực hiện”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Cùng tinh thần hành động, các phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành sau khi được Quốc hội phê chuẩn cũng lập tức thể hiện cam kết và xử lý quyết liệt những vấn đề “nóng”. Tân Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khi chia sẻ với báo chí khẳng định, sẽ hành động để khắc phục ngay những vấn đề tồn đọng, đang lộ ra trong các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đã được dư luận xã hội, báo chí, đại biểu Quốc hội và cử tri nêu lên. Đồng thời, sẽ khẩn trương nghiên cứu, rà soát lại khung pháp lý để khắc phục những tồn tại, bất cập.


Tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa chắc hẳn chịu nhiều “áp lực” trước những thành tựu mà người tiền nhiệm làm được. Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu nhậm chức, ông Nghĩa cũng nhanh chóng thể hiện tinh thần hành động, không ngại đụng chạm. Khi đi kiểm tra tiến độ thi công cầu Ghềnh (Đồng Nai), ông lập tức chấn chỉnh và yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ứng vốn cho các nhà thầu để đảm bảo tiến độ thi công. 

Không chỉ hành động các bộ trưởng còn đưa ra những cam kết và mục tiêu cụ thể của ngành trong thời gian tới. Trong lĩnh vực phát triển du lịch, khác với người tiền nhiệm “không dám” hứa trước Quốc hội với lý do “nhiệm kỳ sắp hết”, thì ngay trong ngày bàn giao chức vụ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra hàng loạt cam kết. 

Trong đó, ông Thiện khẳng định sẽ tập trung khắc phục những hạn chế tồn tại, cải thiện môi trường du lịch, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu, nâng cao nhận thức và tăng cường công tác quản lý nhà nước… Phấn đấu đến năm 2020, du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11-12% và đến năm 2020 đạt 12-13 triệu lượt khách quốc tế, 48-50 triệu lượt khách nội địa… 

Công nhân đang lắp ráp linh kiện điện thoại tại nhà máy điện thoại Bphone. Ảnh: Như Ý.

Kiến tạo

Không chỉ mong muốn Chính phủ hành động, người dân và doanh nghiệp còn mong muốn các thành viên Chính phủ phải là những người có tư duy kiến tạo. Nói như lời của đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM): “Chính phủ phải đóng vai trò là bà đỡ cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Chính phủ phải tinh giản cho được bộ máy hành chính, đồng thời nâng cao hiệu quả cải cách nền hành chính đồng bộ trên 3 mặt: Thể chế hành chính, bộ máy tổ chức và con người”.

“Tôi không thể chần chừ trước guồng máy đã tham gia hội nhập quốc tế, trước yêu cầu của xã hội, người dân, mong muốn đất nước tăng trưởng nhanh và bền vững, do vậy tôi không thể nào ngồi chờ. Tôi sẽ phải tạo sự kết nối, cung cấp thông tin, thường xuyên báo cáo tiến độ công việc của bộ ngành địa phương để Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo công việc sát hơn”. 

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Kỳ vọng đó của các đại biểu đã được Chính phủ thể hiện ngay sau khi hoàn tất công tác nhân sự. Trong ngày trao quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước cho các phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phải làm việc với tinh thần Chính phủ kiến tạo, tập trung đề xuất cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn, tạo nguồn lực cho phát triển. “Cái gì kìm hãm thì phải bỏ ngay, cái gì có lợi cho dân thì nỗ lực thực hiện”, Thủ tướng nói và yêu cầu mỗi thành viên Chính phủ cần có chương trình hành động, tập trung vào xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách vì đây là khâu đột phá.

Thủ tướng nêu nhiệm vụ cụ thể, trước mắt cho một số bộ, ngành như: Bộ KH&ĐT đóng vai trò “tham mưu trưởng” của nền kinh tế; nghiên cứu các quy trình, quy định về nguồn vốn ODA và đầu tư công, giảm gánh nặng cho ngân sách, có cách tháo gỡ mạnh mẽ hơn nữa về môi trường đầu tư, kinh doanh.  

Ngay sau đó, Thủ tướng quyết định tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp năm 2016 vào ngày 29/4 với tên gọi: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Thủ tướng khẳng định: Doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nội dung đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình giải quyết vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp theo lĩnh vực phụ trách, trên địa bàn, gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp, đồng gửi Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội và TPHCM ký cam kết với VCCI về việc tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất rõ ràng, Chính phủ phải đoàn kết nhất trí, hành động quyết liệt, lấy hiệu quả hiệu lực làm gốc, mục tiêu là vì người dân, đất nước phồn vinh, tăng trưởng, cuộc sống người dân hạnh phúc.