Chiến sự Syria: Nga - Thổ được lợi, ông Trump 'mua dây buộc mình'

TPO - Thoả thuận Sochi đã một lần nữa làm nổi bật vai trò của Nga như một quốc gia trung gian đầy quyền lực ở khu vực Trung Đông. Trong khi đó, vai trò của Mỹ dần trở nên mờ nhạt sau quyết định rút quân khỏi Syria gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AP

Sau cuộc họp kéo dài 6 tiếng tại thành phố biển Sochi hôm 22/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra thoả thuận mang tính lịch sử, quyết định cục diện miền Bắc Syria sau khi Ankara châm ngòi cho chiến dịch tìm diệt dân quân người Kurd ở khu vực này.

Chỉ vài giờ sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lực lượng dân quân người Kurd đã hoàn tất việc rút quân về khu vực cách biên giới 30km, đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tiếp tục mở rộng chiến dịch ở Syria.

Tuyên bố của ông Trump, trên thực tế, chỉ là lời chú giải cho những gì hai ông Putin – Erdogan đã thống nhất trong thoả thuận Nga – Thổ Nhĩ Kỳ, theo tờ FP.

Không những thế, Tổng thống Mỹ còn phủi sạch trơn sự liên quan của Washington đến cuộc chiến vùng Trung Đông, khi nhấn mạnh: “Hãy để những người khác chiến đấu trên bãi cát dài đẫm máu này.”

Có gì trong thoả thuận Nga – Thổ Nhĩ Kỳ?

Theo FP, bản thoả thuận gồm 10 hạng mục được kí kết bởi hai ông Putin và Erdogan về cơ bản chỉ nhằm mục đích phân chia khu vực kiểm soát.

Bắt đầu từ trưa 23/10, các chiến binh Đơn vị bảo vệ Nhân dân (YPG) – nòng cốt của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) bắt đầu rút khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

YPG sẽ có 150 giờ, hoặc chưa đến một tuần, để di chuyển về vị trí cách biên giới 32km.

Cùng lúc đó, cảnh sát vũ trang Nga và lính biên phòng Syria sẽ tiến sát biên giới từ phía Syria để kiểm soát quá trình rút quân.

Sau khi quá trình rút quân hoàn tất, Nga – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành tuần tra chung dọc biên giới.

Ý nghĩa của thoả thuận với người Kurd

Giới phân tích cho biết thoả thuận Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt dấu chấm hết cho chính quyền tự trị của người Kurd ở Đông Bắc Syria.

Trước đó, với sự hỗ trợ của Mỹ, người Kurd ở Syria đã dựng nên một nền dân chủ mong manh gồm các tiểu vùng tự trị, được gọi là Rojava.

Cho đến trước đây 2 tuần, Rojava chiếm tới 1/3 lãnh thổ Syria.

Chiến thắng cho Thổ Nhĩ Kỳ

Với thoả thuận ở Sochi, Tổng thống Erdogan đã có được mọi thứ mà ông từng mong muốn trước khi tiến hành chiến dịch ở Syria. Thậm chí còn hơn thế.

Từ lâu, ông Erdogan đã thúc đẩy việc xây dựng hành lang an toàn dọc biên giới Syria nhắm đề phòng sự trỗi dậy của YPG – vốn bị Ankara coi là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm khủng bố chủ mưu cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Với thoả thuận Sochi, người Kurd sẽ buộc phải rút lui khỏi khu vực biên giới. Đồng thời, quân đội Nga sẽ thế chân vị trí bị bỏ lại bởi quân đội Mỹ.

Chiến thắng cho cả Nga, Syria và IS

Theo FP, thoả thuận Sochi đã một lần nữa làm nổi bật vai trò của Nga như một quốc gia trung gian đầy quyền lực ở khu vực Trung Đông.

Trong khi đó, nhờ có thoả thuận mang tính lịch sử, mà quân đội của Tổng thống Syria Bashar Assad có thể tiến vào vùng Đông Bắc nước này lần đầu tiên sau nhiều năm.

Với việc Mỹ đột ngột rút quân trước chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd về cơ bản không có lựa chọn nào khác ngoài cầu xin trợ giúp từ Damascus và Moscow để được bảo vệ trước sự tấn công của Ankara.

Việc này đặt người Kurd vào thế yếu, khiến họ không đủ đối trọng để đàm phán về bất cứ quyền tự trị nào ở khu vực Đông Bắc Syria.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Assad - với sự ủng hộ của Nga và Iran - có thể sẽ cố gắng tăng cường kiểm soát khu vực nhạy cảm này, đưa tình hình trở về hiện trạng trước khi cuộc nội chiến bắt đầu.

Vụ tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tạo cơ hội để các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trốn thoát khỏi các trại giam, tái hợp và tiếp tục tiến hành các hoạt động cực đoan.

Ông Trump rơi vào thế khó

Tổng thống Trump hôm qua, 23/10, tuyên bố sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Ankara đảm bảo rằng lệnh ngừng bắn mà Washington đóng vai trò trung gian đàm phán hồi tuần trước sẽ có hiệu lực vĩnh viễn, thay vì chỉ 5 ngày như thoả thuận ban đầu.

Trên thực tế, sự xuất hiện của lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian không tạo nên sự khác biệt rõ rệt đối với tình hình chiến sự ở Đông Bắc Syria. Vì cả người Kurd và Ankara đều liên tục tố nhau vi phạm thoả thuận. Nhiều quan sát viên cho rằng với việc rút phần lớn lực lượng khỏi Syria, Mỹ đã gần như không còn ảnh hưởng đáng kể tại quốc gia này.

Trong khi đó, sau khi đạt thỏa thuận hôm 22/10 với Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ca ngợi đây là một chiến thắng "lịch sử".

Dù liên tục nhận công trong việc lập lại trật tự ở Syria, những các động thái của Tổng thống Mỹ đã châm ngòi cho những luồng dư luận trái chiều trong chính đảng Cộng hoà, vào thời điểm vô cùng nhạy cảm khi ông Trump đang phải đối mặt với một cuộc điều tra luận tội ngay trước thềm bầu cử.

Theo Theo Foreign Policy