Chiến sĩ Trường Sa hưởng ứng Ngày Thơ

TP - Văn Miếu Nguyên tiêu năm nay đông đột biến. Đang đi thỉnh thoảng lại phải dừng lại một lúc vì tắc nghẽn. Không hẳn vì khách thơ đến dự hội thơ mà toàn khách Tây. Hình như nhiều hãng lữ hành đã biết tận dụng ngày hội thơ để tăng độ hấp dẫn của Văn Miếu đối với khách ngoại.
Hình ảnh tại Ngày Thơ ở Văn Miếu năm nay. Ảnh: Như Ý.

Buồn cười năm nay khuôn viên miếu Văn nón giăng vô tội vạ. Lại nhớ đến chương trình Gặp nhau cuối năm, táo văn hóa đã châm biếm ngành du lịch lạm dụng hình ảnh nón lá trong quảng bá. Vài năm trở lại đây, tiết Nguyên tiêu không mưa, ấm áp. Sân thơ truyền thống phần nhiều là khán giả đầu hai thứ tóc đông chưa từng thấy.

Cùng lúc, khán giả sân thơ thiếu nhi phía trong toàn các em học sinh THCS mặc nguyên đồng phục đến nghe thơ. Các tiết mục thơ thiếu nhi kéo dài chỉ 30 phút. Các em vẫn nán lại tiếp tục nghe Thơ trẻ. Đến phần Thơ trăm miền (của đại diện các tỉnh, các dân tộc) cũng đã gần trưa. Thiếu nhi bỏ về để lại nhiều ghế trống.

Người ta cứ nghĩ thơ trẻ đông vui, xôm tụ nhưng vài năm trở lại đây thường vắng hơn so với thơ truyền thống. Có thể một phần do những thành phần đóng góp đắc lực cho sân thơ này trước đây đã dần dần ra đi cả. Những yếu tố gây chú ý thêm vào thơ như múa, trình diễn, sắp đặt… cứ phai lạt dần đi. Năm nay chỉ còn mỗi cây violon kéo những bản nhạc quen thuộc. Nhà thơ nào lên đọc cũng được nghệ sĩ violon hộ tống phụ họa.

Năm nay cũng không còn hiện tượng hội văn nghệ các tỉnh về dựng quầy thơ kết hợp các đặc sản quê hương. Trong sân thơ trẻ số lượng các quầy bầy thơ cũng giảm đi trông thấy. Tuy nhiên lại có quầy giới thiệu sản phẩm cà phê uống liền của nhà tài trợ. Và đặc biệt quầy to nhất thuộc về Liên minh châu Âu. Ngoài trưng bày các ấn phẩm văn thơ, quầy này có trò hái hoa dân chủ thu hút khá khách. Trong mỗi phong bao có một câu hỏi liên quan đến văn hóa châu Âu. Ai trả lời được sẽ được tặng sổ, bút, đĩa nhạc…

Nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Anh Vũ đạo diễn sân thơ trẻ năm ngoái năm nay chỉ phụ trách mỗi phần thiếu nhi. Bao nhiêu khả năng dàn dựng sân khấu anh dồn cả vào đấy khiến phần này được nhiều khán giả thích thú, có khi cười thành tiếng hoặc đứng lên vỗ tay. Anh cho hay: “Làm việc với trẻ em vất vả lắm. Nói một nó quên ngay, nói mười nó nhớ được hai là vừa”.

Bản thân Anh Vũ không phải là người quyết định thời lượng hay nội dung sân thơ thiếu nhi. Anh muốn có nhiều thời gian hơn, tăng thơ thiếu nhi lên… Nhưng thực tế trong 30 phút thời lượng chỉ có độ 15 phút đọc thơ. Và cũng chỉ có hai tác giả nhí là Đặng Ý Nhi và Minh Châu là được đọc hai bài thơ do chính các em sáng tác. Còn lại là thiếu nhi trình diễn thơ người lớn viết cho thiếu nhi. Được biết, sự xuất hiện của sân thơ thiếu nhi tại Ngày Thơ là do Đại hội Hội Nhà văn vừa rồi đã quyết định tái lập Ban Văn học Thiếu nhi.

Đứng trong dàn tứ trụ đọc thơ về biển đảo tại sân thơ truyền thống, bên cạnh Nguyễn Việt Chiến, Trần Đăng Khoa, Anh Ngọc có nhà thơ Nguyễn Hữu Quý (tạp chí Văn nghệ Quân đội). Anh đọc trích đoạn trường ca Hạ thủy những giấc mơ- giải B Giải thưởng Bộ Quốc phòng về Văn học Nghệ thuật Báo chí 2009- 2014. Khúc thứ 9 của trường ca có đoạn:  “Tuần trăng mật Trường Sa/ Tại sao không, em nhỉ/ Ta đón tia nắng đầu tiên bên gốc phong ba/ Chiều thong thả ngắm đàn bò đủng đỉnh/ Gặm hoàng hôn mặn mòi/ Ngắm đàn chim bồ câu lượn vòng lên xuống/ Như những nốt nhạc đang bay/ Ngõ nhà ai thánh thót tiếng đàn bầu/ Anh đưa em vào chùa lạy Phật”.

“Từ rất lâu, tôi muốn viết một trường ca về biển đảo. Đến 2009 mới đủ điều kiện về cảm xúc tư liệu đời sống,” nhà thơ nói. “Tôi không liệt kê những sự kiện đã xảy ra trên biển đảo của mình, mà muốn nói văn hóa Việt truyền thống ẩn tàng trong vùng biển đảo Tổ quốc ta. Thể hiện được, giữ được, phát triển được văn hóa Việt Nam trên vùng biển đảo. Đấy là sự khẳng định chủ quyền vững chắc nhất”.

Nguyễn Hữu Quý cũng cho hay, trước khi Ngày Thơ diễn ra, anh nhận được thơ của nhiều chiến sĩ Trường Sa gửi về hưởng ứng. Anh cho biết: “Đó là những bài thơ viết về mẹ, về hội Lim, về hoa xoan, về đồng đội ở Trường Sa… hết sức xúc động. Lính mình viết mộc mạc, hồn nhiên thôi nhưng ẩn chứa trong đó tình yêu quê hương đất nước, quê hương không bao giờ phai mờ. Với tình yêu đó chắc chắn các chiến sĩ ta hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”. Một độc giả dự hội thơ có ý tưởng làm cầu truyền hình hoặc điện thoại để các chiến sĩ đọc thơ trực tiếp từ Trường Sa tại Ngày Thơ Văn Miếu. Còn Nguyễn Hữu Quý thì ấp ủ một Ngày Thơ tổ chức tại Trường Sa.

Bên hồ Văn là các quầy thơ quần chúng. Nào là CLB thơ Lục bát, thơ Hán Nôm, Thơ dịch… Có cả CLB Hoa Điện của những người làm điện lực yêu thơ. Trong số các bài thơ được trưng bày ở đây có Cô gái thu ngân của Nguyễn Thị Tấc: “Thu ngân đâu được an nhàn/ Nhiều khi đi lại chứa chan nỗi buồn/ Tình người em vẫn luôn luôn/ Khách hàng thượng đế lỡ chuồn được sao.”…” Xem ra thơ Hoa Điện đọc vui không kém của CLB Thơ trào phúng (thuộc Hội Nhà văn Hà Nội): “Là người quen viết văn vần/ Tự mình thấy chưa đủ tầm nhà thơ/ Tâm hồn lãng mạn mộng mơ/ Nhưng làm thơ chẳng bao giờ được hay…” (Nguyễn Văn Thọ).

Cụ Lam Điền- Chủ tịch CLB Thơ trào phúng, năm nay bước sang tuổi bát thập cho hay CLB thành lập năm 1990, lúc đông đảo nhất số hội viên lên tới tám chục, giờ còn độ một nửa. Hàng tháng vẫn có buổi sinh hoạt đọc thơ tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội 19 Hàng Buồm. Tới nay CLB đã in 18 tập thơ chung, còn thơ riêng phải đến hàng trăm. Thơ in ra thường không bán, mà mỗi hội viên chia nhau đôi chục cuốn đem tặng bạn bè.

Tiêu chí của CLB theo cụ Lam Điền: “Làm thơ để đóng góp xây dựng, nói lên mặt trái của xã hội. Các nhà thơ trào phúng có lập trường tư tưởng rất cao bởi phần lớn đã qua chiến đấu thời kỳ chống Mỹ, thậm chí có những người từ thời chống Pháp”. Bài thơ Hãy noi gương Cuba của Lam Điền có đoạn: “Ôi học phí viện phí/ Mi chẳng thương dân ta/ Còn đang nghèo đang khó/ Cứ tăng giá tẹt ga…” Và đoạn kết: “Thôi đừng vòng vo nữa/ Hãy học tập Cuba!”.

Sân Thơ trẻ giới thiệu tác giả 17 tuổi Ngô Gia Thiên An. Đây là toàn văn bài Những năm hai nghìn, Thiên An đọc tại Ngày Thơ 2016: “Cỏ đã khác/ Cỏ giờ cháy khô/ Trẻ em đói mờ đôi mắt/ Người lớn đổ máu vì từng giọt nước/ Vì miếng bánh vì súng bom/ Những con người ngước lên trời xin cái chết/ Đôi tay vẫn giơ ra đón lấy từng tia sáng mặt trời/ Bông hoa kia còn đâu/ Đám đất này còn đâu/ Bà mẹ khóc than nước mắt hòa cùng máu/ Đứa bé bay đi để lại hy vọng/ Bông hoa rồi sẽ nhú lên từ cát”.