Chuẩn bị phương án tác chiến chi tiết
Bộ trưởng nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các địa phương đóng vai trò quan trọng. Ông nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng “không được bỏ phí bất cứ liều vắc-xin nào” và nguyên tắc tiêm tới đâu an toàn tới đó. “Thời gian qua, việc triển khai tiêm thí điểm và thường quy đã làm rất tốt yêu cầu này”, Bộ trưởng nói.
Trong lộ trình cung ứng vắc-xin, hiện Việt Nam đã có các hợp đồng, thỏa thuận cung ứng trong năm 2021 (hiện đã có khoảng 105 triệu liều vắc-xin từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam), nhưng tình trạng khan hiếm vắc-xin xảy ra trên quy mô toàn cầu (trong tháng 6-9/2021), do đó, lộ trình vắc-xin về Việt Nam cũng sẽ có tình trạng chậm trễ chung. Cùng đó, lượng vắc-xin về sẽ không đều theo từng tháng mà dồn về những tháng cuối năm nhiều hơn nên đòi hỏi chiến dịch phải thực hiện nhuần nhuyễn, trôi chảy, hiệu quả và nhanh chóng.
Với cung ứng, vận chuyển, bảo quản, cung cấp vắc-xin, Bộ trưởng nhấn mạnh cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ Quốc phòng, Y tế, GTVT và Công an, đảm bảo vắc-xin từ Trung ương về kho tại các Quân khu hay kho của Chương trình Tiêm chủng mở rộng phải được quản lý, giám sát chặt chẽ đúng theo yêu cầu từng loại vắc-xin. “Chúng tôi đã yêu cầu các lực lượng bàn bạc, thảo luận, lên “phương án tác chiến” vận chuyển, bảo quản rất chi tiết”, Bộ trưởng nói.
“Vừa đảm bảo thực hiện số lượng mũi tiêm, nhưng phải vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng. Đây là trách nhiệm nặng nề của Tiểu ban An toàn tiêm chủng. Do đó Tiểu ban này cần trực tuyến 24/24 để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi cần”.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long
Trong tháng 7 phải khám sàng lọc xong
Trên nguyên tắc quan trọng là “tiêm tới đâu an toàn tới đó”, Bộ trưởng khẳng định tiểu ban An toàn tiêm chủng phải nhanh chóng đào tạo tập huấn về an toàn tiêm chủng, tổ chức tiêm an toàn, xử lý phản ứng không mong muốn cho các cơ sở y tế toàn quốc; cho toàn bộ lực lượng y tế, không riêng những người thực hành tiêm. Đồng thời tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc phải tiến hành khám sàng lọc và phân loại sẵn đối tượng dự kiến tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên để phân loại trường hợp nào được tiêm tại trạm y tế xã phường, trường hợp nào cần phải tiêm ở cơ sở y tế có giường bệnh, trường hợp nào được tiêm tại điểm tiêm di động. Tại điểm tiêm chỉ cần đo nhiệt độ, huyết áp của người đi tiêm để tránh tập trung đông người cùng một thời điểm. “Tôi đề nghị các địa phương trong tháng 7/2021 phải xong việc khám sàng lọc trên quy mô này”, Bộ trưởng lưu ý.
Các thành viên Ban chỉ đạo Chiến dịch cũng thảo luận nội dung phân bổ vắc-xin trong phiên họp đầu tiên này. Theo đó, việc phân bổ tuân thủ theo nguyên tắc được nêu rõ trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và các kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, địa phương có nhiều khu công nghiệp, có yếu tố nguy cơ lây nhiễm, đang có dịch thì ưu tiên phân bổ trước; những địa phương tập trung cho phát triển kinh tế; các đối tượng theo Nghị quyết 21… Về vấn đề này, Ban chỉ đạo tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung vào bản kế hoạch chung.
TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, theo dự thảo Kế hoạch, thời gian triển khai Chiến dịch diễn ra từ tháng 7/2021-4/2022. Trong năm 2021, tiêm tối thiểu cho 50% người từ 18 tuổi trở lên. Tới hết quý 1/2022 sẽ có trên 70% dân số được tiêm vắc xin. Ban chỉ đạo cũng đặt mục tiêu cố gắng từ nay đến cuối năm sẽ tiêm vắc-xin COVID-19 cho hết người dân, nhưng có thể phải sang quý 1/2022. “Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tới năm 2023 sẽ đạt miễn dịch cộng đồng. Việt Nam đặt mục tiêu lớn hơn là trong năm 2021 và đầu năm 2022”, Bộ trưởng nói.
Điều rất quan trọng được Trưởng ban chỉ đạo Nguyễn Thanh Long đặt ra là yêu cầu công khai mọi vấn đề từ số lượng vắc-xin, cấp vắc-xin, tiêm chủng vắc-xin, để làm sao người dân biết, giám sát, phối hợp và đồng hành trong chiến dịch tiêm vắc-xin lịch sử này.