Tọa đàm ra mắt sách “Đặng Đình Hưng - Một bến lạ” chiều tối 20/1 tại Viện Pháp Hà Nội còn có sự tham gia của nhà thơ và phê bình thơ Hoàng Hưng, nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thuý và nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thị Thuý Hạnh.
NSND Đặng Thái Sơn phải đăng ký chuyến bay giải cứu để bay từ Canada về Việt Nam, chịu cách ly 14 ngày. Sự có mặt của Đặng Thái Sơn theo lời của nhà thơ Hoàng Hưng chính là sự báo hiếu với người cha quá cố. Đặng Thái Sơn là con út của nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng và nghệ sĩ Thái Thị Liên.
Năm 2020, một nhóm thân hữu gọi là nhóm tưởng niệm Đặng Đình Hưng được hình thành, gồm NSND Đặng Thái Sơn, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà phê bình Hoàng Hưng. Cuốn sách “Đặng Đình Hưng - Một bến lạ” ra mắt cuối năm 2020, đúng 30 năm mất của nhà thơ Đặng Đình Hưng.
“Chúng tôi chuẩn bị cho cuốn sách khá lâu, nhưng dồn dập trong khoảng 6 tháng. Cái khó khăn ở chỗ văn bản khi cụ mất đi để lại một số bản thảo trong đó có bản viết tay, bản đánh máy nhưng bản thảo không thống nhất. Một bản thảo do GS. Đặng Đình Áng (anh trai nhà thơ Đặng Đình Hưng) giữ, một bản do Đặng Thái Sơn giữ nhưng có sự khác biệt do ông sử dụng chính tả độc đáo để sáng tác”, nhà thơ Hoàng Hưng nói. Khi biên tập, những người làm sách cố gắng trung thành nhất với tinh thần của Đặng Đình Hưng.
Tôi ghé Bến lạ một chiều không Alfa / Nơi tôi đứng / Một cái đĩa Mê ta (Đặng Đình Hưng)
Khi chưa sinh Đặng Thái Sơn nhưng ông Đặng Đình Hưng đã sớm đặt tên con trai. Ngoài nghĩa “Công cha như núi Thái Sơn”, chữ "Thái" này còn có ý nghĩa khác, chữ Thái lấy theo họ mẹ -nghệ sĩ Thái Thị Liên.
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn khá thẳng thắn nói về sự chia tay của cha mẹ, khi ấy bố ở lại Hà Nội còn mẹ lại trở vào Nam. “Nhiều lúc tôi cũng chẳng hiểu sao hai ông bà lại lấy nhau vì quá khác nhau. Má cởi mở gần phương Tây hơn, bố lại rất truyền thống”, NSND Đặng Thái Sơn nói. Cuối cùng ông nhận ra, chính là do ở họ luôn có sự chân thật. Những lời cuối khẳng định “lựa chọn làm con ngoan của bố” của NSND Đặng Thái Sơn nhận được tràng vỗ tay không ngớt.
Tại tọa đàm, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy có những nhận định riêng về tác phẩm của ông Đặng Đình Hưng, xoay quanh con người nhạc sĩ ảnh hưởng tới thơ ca Đặng Đình Hưng. Đỗ Lai Thúy lùi ra xa để đánh giá cả di sản thơ của Đặng Đình Hưng, đặt trong bối cảnh sống và sáng tác thời hậu Nhân văn giai phẩm. Cùng với Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng làm cuộc cách mạng thơ thời bấy giờ.
“Những người đến với thơ ca từ âm nhạc, hội họa có sự thuận lợi, họ dễ dàng đi đến ngôn ngữ đích thực, ngôn ngữ thứ hai của một bài thơ”, Đỗ Lai Thúy nhận định. Ông khẳng định với Đặng Đình Hưng, thơ quan trọng ở nhịp điệu hơn là vần điệu. Bản năng nhạc sĩ giúp cho Đặng Đình Hưng khi làm thơ luôn bắt được những nhịp điệu trôi chảy tự nhiên.
Đỗ Lai Thúy khẳng định, Đặng Đình Hưng có vị trí vững chắc và không thể thay thế được trong bộ tứ Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm. Đặng Đình Hưng là cầu nối giữa hai phong cách, một bên là sự lí trí của Trần Dần, Lê Đạt với phong cách trực giác, trực cảm hơn của Hoàng Cầm.
Người tham dự tọa đàm được nghe một số trích đoạn “Bến lạ”, “Ô mai” do Đặng Đình Hưng sáng tác, qua sự thể hiện của ca sĩ Giang Trang và nhà thơ Hoàng Hưng. Một trong những điểm nhấn của tọa đàm là màn song tấu của NSND Đặng Thái Sơn và nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. Đây là phần song tấu piano một etude cho piano do Đặng Hữu Phúc soạn dựa trên cảm hứng thơ của Đặng Đình Hưng.
NSND Đặng Thái Sơn chơi một bản nhạc để tưởng nhớ người cha mất 30 năm nay, trước khi ngồi vào đàn ông có đề nghị nho nhỏ rằng kết thúc bản nhạc mọi người không vỗ tay. Khi tiếng nhạc vừa dứt, NSND Đặng Thái Sơn vái lạy bức chân dung cha trên màn chiếu và đi xuống, cả hội trưởng đồng loạt đứng lên mặc niệm nhà thơ Đặng Đình Hưng.
Họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển triển lãm “Bến lạ” dành đôi phút giới thiệu về tác phẩm hội họa của Đặng Đình Hưng. Triển lãm bày 21 bức vẽ theo phong cách tối giản của Đặng Đình Hưng tại không gian tầng 1 Viện Pháp, kéo dài tới hết 28/2/2021.
Đặng Đình Hưng sinh năm 1924 tại làng Thụy Dương, huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ), nay thuộc Hà Nội, mất năm 1990. Ông là nhà thơ, họa sĩ nổi tiếng do sáng tạo gây tranh cãi về thi pháp Thơ và Mỹ thuật, qua các di cảo được phổ biến sau khi tác giả qua đời. Ông là chồng của nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Thái Thị Liên; là cha của hai nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Đặng Thái Sơn và Đặng Hồng Quang.
Các tác phẩm đã xuất bản
- Một số ca khúc (in bướm)
- Tranh Đặng Đình Hưng (1989)
- Bến lạ (thơ, 1991)
- Ô mai (thơ, 1993)