Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay: Sân bay Long Thành là cửa ngõ quốc gia, hướng đến thành điểm trung chuyển hàng không của Châu Á nên kiến trúc nhà ga cần đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố: Công năng sử dụng và thẩm mỹ, thể hiện được ý nghĩa, tính chất đặc biệt quan trọng của công trình, có tính khả thi cao và phù hợp với quy hoạch. Yếu tố bản sắc văn hoá cũng là đầu bài quan trọng được Bộ GTVT đặt ra cho các nhà thiết kế nên các nhà thiết kế đã đưa các yếu tố như hoa sen, ruộng bậc thang, cây tre, lá dừa nước, nón lá… vào thiết kế.
Phương án LT 01
Lấy hình tượng chim sẻ để đưa vào thiết kế phần mái cho toàn bộ công trình; ngoài ra phương án nghiên cứu hình dạng đan kết của nón lá, tre để lấy cảm hứng đưa vào thiết kế phần trang trí họa tiết mái và cho phần nội thất trần nhà ga.
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh với 2 cao trình đi và đến tách biệt. Nhà ga gồm 4 tầng.
Phương án LT 02
Tác giả lấy ý tưởng cảnh đẹp thiên nhiên của Việt Nam (ruộng bậc thang, hình thức nhấp nhô của những núi đá Vịnh Hạ Long) để đưa vào phương án thiết kế hình khối công trình (phần tạo hình mái, kiến trúc phần sảnh nhà ga).
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 4 cánh.Nhà ga được thiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 4 tầng.
Phương án LT 03
Phương án kiến trúc lấy ý tưởng từ hình ảnh bông hoa sen cách điệu, sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào thiết kế mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan vị trí bên trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục. Bên cạnh đó khu vực nhà để xe ngoài trời, trên mái sử dụng làm công viên cây xanh kết hợp với hồ nước lớn tại vị trí trung tâm cũng lấy ý tưởng bông sen, làm điểm nhấn cho khu vực này.
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh; nhà ga được thiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 4 tầng.
Phương án LT 04
Ý tưởng chính của tác giả là sử dụng vật liệu từ cây tre – một loại cây phổ biến của địa phương Việt Nam, được thiết kế thành hệ kết cấu đan kết để áp dụng cho toàn bộ các không gian chính công cộng của nhà ga (sảnh ga đi, khu kinh doanh dịch vụ, miễn thuế, khu phòng chờ, hành lang ga đến,…).
Trao đổi tại buổi lễ trao, đại diện nhà thiết kế (Nhật Bản) khẳng định có biện pháp để tăng độ bền cho vật liệu tre; công trình sân vận động tại Tokyo cũng được làm bằng vật liệu tre.
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh. Nhà ga được thiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 4 tầng.
Phương án LT 05
Tác giả đưa ý tưởng là các cánh hoa sen vào kiến trúc mặt đứng công trình để tạo nên hình ảnh nhà ga mang nét thiên nhiên. Phương án dự thi còn lấy ý tưởng về vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa Việt Nam để đưa vào kiến trúc nội thất của nhà ga (thông qua cách điệu về tre, nan tre…) đồng thời nghiên cứu, phân tích một số yếu tố đặc trưng của thời tiết, khí hậu địa phương để đưa ra giải pháp kiến trúc.
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh. Nhà ga được hiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 4 tầng và 1 tầng lửng.
Phương án LT 06
Tác giả sử dụng hình ảnh cánh bướm (butterfly) để đưa vào thiết kế hình khối nhà ga trong tổng mặt bằng cảng hàng không. Ngoài ra hình ảnh nón lá Việt Nam cũng được đưa cách điệu tại các đỉnh cột trong nội thất của công trình. Các thiết kế hình nón lá này vừa mang tính trang trí vừa có chức năng tán xạ ánh sáng tự nhiên vào trong không gian nội thấtcông trình. Tác giả thiết kế nhà ga theo phong cách hiện đại và nghiên cứu phát triển hình khối công trình theo từng giai đoạn để phù hợp với tổng mặt bằng cảng hàng không.
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh. Nhà ga được hiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 4 tầng.
Phương án LT 07
Phương án kiến trúc nhà ga lấy ý tưởng từ hình ảnh lá cọ, dừa nước áp dụng vào thiết kế phần mái công trình. Tác giả muốn mang đến một hình ảnh nhà ga hàng không đậm chất văn hóa địa phương. Bố cục không gian khu vực nhà ga đi được thể hiện ý tưởng như những con thuyền di chuyển trên sông nước đồng quê Việt Nam. Phương án thiết kế cũng sử dụng giải pháp lệch tầng để phân chia các khu vực chức năng nhằm tạo không gian sinh động cho nhà ga kết hợp việc sử dụng các mảng xanh, cảnh quan nội thất trong công trình có điểm nhấn thể hiện một hình ảnh nhà ga hàng không năng động và hiện đại.
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh.Nhà ga được thiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 4 tầng và 1 tầng lửng.
Phương án LT 08
Tác giả lấy ý tưởng là đan kết không gian (thể hiện qua các nghiên cứu hình ảnh kết cấu, cây, nón, rổ) đưa vào thiết kế của phần mái trung tâm nhà ga (hình tròn) và vào thiết kế mặt bằng khu vực chức năng, 4 nhóm cột thép tại không gian sảnh chính và sảnh bên ngoài.
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh. Nhà ga được thiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 3 tầng và một tầng hầm.
Phương án LT 09
Tác giả sử dụng hình ảnh hoa sen để đưa vào thiết kế các họa tiết công trình (phần đỉnh cột nhà ga). Phương án kiến trúc thể hiện hình thức kiến trúc theo phong cách hiện đại (với các mô tuýt trang trí và cách phối màu với gam màu trầm, hồng nhạt của sen và màu nâu thể hiện ở chi tiết đỉnh cột).
Quy mô: Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh. Nhà ga được thiết kế với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 5 tầng và một tầng hầm.
Việc lấy ý kiến cộng đồng tại Hà Nội kéo dài đến ngày 12/12. Tại Đà Nẵng từ ngày 16/12 đến ngày 25/12; tại Đồng Nai từ ngày 28/12/2016 đến 11/1/2017; tại TP HCM từ 13/1/2017 đến 23/1/2017. Bộ GTVT cũng lấy ý kiến trên trang thông tin điện tử của Bộ và lấy ý kiến Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, Tổng hội xây dựng Việt Nam và Hội Khoa học kỹ thuật hàng không Việt Nam.