Chị ấy con ai?

TP - Tuần qua, trên các báo, trên đủ loại trang mạng xã hội rộ lên thông tin và những bàn tán xung quanh vụ việc một nữ nhân viên mặt đất của Vietnam Airlines bị hai nam hành khách hành hung giữa thanh thiên bạch nhật.

Câu chuyện này thu hút sự quan tâm của đủ mọi giới, mọi lứa tuổi vì vừa có yếu tố sốc, giật gân, có “gieo gió”, có “gặt bão”, có cả yếu tố “con ông cháu cha” và cũng đầy kịch tính với pha ra đòn của một “soái ca áo đen” chưa rõ danh tính, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha. Rất nhiều người, trong đó có tôi, đã cảm thấy hả hê với cú ra đòn trời giáng của “soái ca áo đen” đối với kẻ côn đồ trong bộ quần áo bóng bẩy, và cũng tự cho mình cái quyền được đồng ý với sự “làm ngơ” của đội an ninh sân bay khi chỉ giữ lại hai kẻ gây rối mà để “Lục Vân Tiên” rút êm khỏi hiện trường.

Và trong khi trên mạng xuất hiện những thông tin nói rằng một trong hai kẻ gây rối có quan hệ anh em với một quan chức ngành cảnh sát, và rằng anh này sau vụ việc vẫn tỏ ra thách thức “cộng đồng mạng”, lại xuất hiện những tin đồn về “thân thế” nạn nhân của vụ hành hung, nữ nhân viên N.L.Q.A. Rằng “chị ấy” là con nhà gia thế, bố chị ấy “có quyền chỉ đạo cả bộ trưởng”, bố chồng còn là thứ trưởng trong ngành công an. Rằng phen này “có đứa vỡ mồm”. Rất nhiều “công dân mạng” đã bày tỏ sự hả hê khi được tin (và tin) rằng hai anh chàng thô lỗ kia đã đụng trúng “thứ dữ”, rằng “Hà Nội đâu phải tỉnh lẻ, đụng đâu chả trúng “con nhà quan”.

Dường như đang tồn tại một tâm lý “lụy quyền chức” trong không ít người. Chúng ta phản đối tham nhũng, phản đối việc lạm dụng quyền lực ở những người có chức có quyền, nhưng nhiều người trong chúng ta đang dần thỏa hiệp, dần coi quan chức và con cái họ đương nhiên được hưởng những đặc quyền đặc lợi, coi đó là điều bình thường.

Giả dụ chị N.L.Q.A chỉ là con cái của những người cha người mẹ rất bình thường, không quyền chức cao sang gì, thì chị ấy không đáng được bảo vệ sao? Việc trừng phạt những kẻ côn đồ là điều đương nhiên của một xã hội công bằng và công việc này, một trách nhiệm của chính quyền, cần được mọi người dân, giới truyền thông, các tổ chức xã hội giám sát thực hiện. Không cần thiết phải hỏi chị N.L.Q.A là con ai, bởi điều quan trọng là công lý được thực thi và thực thi một cách nghiêm minh.

Tất nhiên, không phải tự nhiên mà sự “lụy quyền chức” đang rất phổ biến trong xã hội. Bởi sự kiểm soát quyền lực của chúng ta còn rất nhiều vấn đề, trong khi đặc quyền đặc lợi của giới quan chức và người thân của họ là những thứ rất phổ biến. Người ta nói, sống lâu trong môi trường có nhiều cái xấu, con người lâu dần cũng bị “đồng hóa” và cảm thấy cái xấu “bớt xấu” đi. Đó mới là điều nguy hại.