Cần lập hội đồng độc lập để rà soát
Thông tin vừa qua cho thấy, có tới 94 ứng viên GS, PGS phải xem xét, rà soát lại vì có đơn thư tố cáo, phản ánh. Theo ông, việc rà soát phải được thực hiện ra sao để đảm bảo sự khách quan, công tâm?
Việc rà soát lại số ứng viên không đủ điều kiện tiêu chuẩn phụ thuộc vào sự công tâm của người rà soát, mà thực chất ở đây gần như là phúc khảo lại. Theo tôi, nếu để cho chính cơ quan đã từng rà soát từ trước lại rà soát lại thì sẽ không khách quan.
Thủ tướng yêu cầu rà soát lại không đồng nghĩa với việc giao cho chính hội đồng đó thực hiện. Cần phải có phương thức, bộ phận khác làm, bởi không ai thừa nhận sai phạm của mình cả, thậm chí còn tìm cách giấu đi. Do vậy, cần thành lập một hội đồng khác để rà soát lại, có như vậy mới đảm bảo khách quan.
Được biết trong số những ứng viên phải rà soát lại, có khá nhiều người là cán bộ, quan chức nhà nước. Ông thấy sao về điều này?
Quy định hiện hành cho phép đối tượng là cán bộ công chức được xét tiêu chuẩn GS, PGS. Nhưng đã là cán bộ công chức, có cần thiết phải mang hàm GS, PGS không? Đây là một câu hỏi mà nhiều người đặt ra. Sư là thầy, giáo là dạy. GS, PGS thực chất là làm nghề thầy giáo, hành nghề trong môi trường giáo dục đào tạo.
Trong cơ quan hành chính nhà nước, không có chuyện người nọ dạy người kia, mà chỉ có bồi dưỡng, đào tạo cán bộ. Tuy nhiên việc này đã có một hệ thống cơ quan tương ứng làm. Cũng không có chuyện cấp trên dạy cấp dưới, mà chỉ có chỉ đạo và thực hiện.
Chính vì thế, theo tôi người đang hoạt động trong các cơ quan nhà nước, cơ quan lãnh đạo quản lý không cần phải là GS, PGS, trừ trường hợp trước đó họ đã từng là GS, PGS rồi. Có lẽ nhân việc này chúng ta cũng cần phải xem lại quy định đó.
Tức là cần phải đưa ra quy định, đã là quan chức, lãnh đạo điều hành trong cơ quan quản lý nhà nước thì không được xem xét GS, PGS, thưa ông?
Cái này cần phải minh định lại, xem những lĩnh vực nào cho tương xứng với lĩnh vực ấy. Còn đã làm lãnh đạo quản lý trong cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị thì phải chuyên tâm vào công tác lãnh đạo quản lý. Không thể kết hợp giảng dạy đào tạo với công tác quản lý được. Như vậy là trái nguyên lý. Trừ trường hợp trước đó họ đã là GS, PGS rồi.
Tôi còn nhớ ở Mỹ trước kia có một người gốc Việt đã là GS một trường đại học danh tiếng của Mỹ. Ông đã từng được bổ nhiệm thứ trưởng và sau đó đã phải từ bỏ chức GS. Sau này khi không làm thứ trưởng nữa, ông ấy trở lại làm thầy giáo, lúc đó người ta lại xem xét, phong lại GS. Điều đó chứng tỏ ở nền hành chính Mỹ và nhiều nước khác, giữa vị trí nghề nghiệp với vị trí chức danh phải nhất quán. Không thể vị trí nghề nghiệp như này mà lại theo một chức danh của một nghề nghiệp khác được.
Chúng ta chưa có lịch sử ấy, nhưng về mặt nguyên lý, cho dù trước đó anh đã là GS, PGS nhưng khi đã tham gia quản lý thì anh không thể tham gia công tác giáo dục đào tạo được, bởi nếu làm vậy, anh sẽ xao nhãng quản lý điều hành. Còn sau này, khi đã nghỉ chức vụ quản lý, lúc đó anh được quyền tham gia giảng dạy, không ai cấm cả.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh nhà nước
Trước thực trạng nhiều quan chức có học hàm GS, PGS, 94 hồ sơ đang phải rà soát lại, nhiều vụ việc tai tiếng từng xảy ra, một số ý kiến cho rằng phải chăng đó là biểu hiện của bệnh háo danh?
Trước tiên, chính vì có quy định cho nên họ được quyền đăng ký, xem xét bổ nhiệm GS, PGS. Phải thừa nhận đó là một hành vi hợp pháp. Thế nhưng xã hội lại nhìn nhận, trong bối cảnh có quá nhiều tiêu cực về công tác cán bộ, nên cho rằng đó chỉ là thói háo danh mà thôi.
Tại sao họ lại muốn thêm hàm, thêm danh ấy? Một mặt để trang trí thêm cho tiêu chuẩn của họ. Đôi khi nó lại có lợi thế trong việc xem xét, bầu cử, bổ nhiệm họ. Cho nên cuộc chạy đua để có được cái hàm trở thành một nhu cầu. Khi đã trở thành nhu cầu thì sẽ nảy sinh tiêu cực: có gian lận, có mua bán cũng như hiện tượng mua chức bán quan hiện nay thôi.
Tuy nhiên ngoài cái danh đúng là còn nhiều cái lợi khác. Cái lợi trước tiên là lương, phụ cấp được nhảy cóc. Cái lợi thứ hai là kéo dài thời gian công tác. Chính vì thế nó mới trở thành một nhu cầu. Nếu không có sự điều chỉnh thì sự lạm dụng chắc chắn còn diễn ra.
Ít nhất riêng trong đợt rà soát lần này đã có 94 trường hợp nghi không đủ điều kiện tiêu chuẩn GS, PGS và không biết con số đó đã dừng lại hay còn nữa. Ông đánh giá gì về những hồ sơ này?
Ở đây có hai nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất thuộc về những người đang công tác trong bộ máy hành chính nhà nước tham gia chức vụ lãnh đạo quản lý. Nếu đủ các điều kiện tiêu chuẩn, họ vẫn được xét. Thế nhưng vấn đề là những tiêu chuẩn ấy có thật hay không. Ví dụ như số lượng giờ giảng, người ta sẵn sàng nhờ hiệu trưởng trường nào đó xác nhận. Nhưng chỉ cần qua cơ quan thuế là có thể xác minh được điều này. Rồi công trình nghiên cứu, cần giám định lại xem có đúng của họ hay là sao chép?
Nhóm thứ hai, hiểu theo nghĩa tiêu cực đó là chạy chọt, hợp thức hóa tiêu chuẩn để được xem xét. Điều này cần phải có một cơ quan thẩm định rà soát cho thật kỹ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là liêm sỉ của con người. Có những người thừa điều kiện tiêu chuẩn GS, PGS, nhưng vì họ có lòng tự trọng, không đạp lên các giá trị xã hội, không đạp lên danh dự, nhân phẩm để bằng mọi cách có được cái học hàm, học vị.
Giả sử trong trường hợp phát hiện ra gian lận, phải xử lý như thế nào, nhất là đối với những quan chức, người có chức vụ?
Đã sai phạm thì phải xem xét đến mức độ vi phạm. Đã vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo pháp luật, trong đó có pháp luật hành chính và pháp luật hình sự, tùy theo mức độ mà xử lý thích đáng.
Việc này không chỉ gây mất niềm tin trong nhân dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của nhà nước. Bởi vì những người đang đảm nhận chức vụ trong bộ máy lại gian lận, lại rơi vào những vị trí trụ cột như vậy sẽ càng ảnh hưởng đến hình ảnh nhà nước.
Bên cạnh đó đối với các cơ quan sàng lọc tiêu chuẩn xem xét hồ sơ, những người có thẩm quyền bỏ phiếu, phải rà soát lại xem ai là người buông xuôi, ai làm ngơ trước những vi phạm? Đó là những đồng phạm, phải xử lý thật nghiêm để trả lời cho công luận.
Cảm ơn ông.
“Tại sao quan chức lại muốn thêm hàm, danh GS, PGS? Một mặt để trang trí thêm cho tiêu chuẩn của họ, đôi khi lại có lợi thế trong việc xem xét, bầu cử, bổ nhiệm. Cho nên cuộc chạy đua để có được cái hàm trở thành một nhu cầu. Khi đã trở thành nhu cầu thì sẽ nảy sinh tiêu cực, gian lận, mua bán”.
Ông Lê Thanh Vân