Châu Á thảm bại tại World Cup: Lùi, lùi nữa, lùi mãi?

TPO - Khi Tây Ban Nha, Anh, Italia, Bồ Đào Nha, Nga.., phải về nước ngay sau vòng bảng, đó được coi như thảm họa với bóng đá châu Âu. Nhưng thực tế, châu Á mới chính là châu lục có kết quả tệ hại nhất.

Đến World Cup 2014, 4 đại diện châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và Australia đã tự trang bị cho mình rất nhiều kỳ vọng. Quá khứ cũng là điểm tựa để họ tin vào điều đó. Cách đây 12 năm, khi là đồng chủ nhà của World Cup 2002, Nhật Bản từng lọt qua vòng bảng, còn Hàn Quốc tiến xa đến mức giành hạng tư chung cuộc. 4 năm trước, trên đất Nam Phi, cả Nhật Bản và Hàn Quốc cũng hiện hiện ở vòng 1/8 World Cup 2010.

Người châu Á đã rất tin tưởng rằng, khoảng cách về đẳng cấp với các châu lục khác đã được thu hẹp. Trước giải, huấn luyện viên Hong Myung Bo của Hàn Quốc khẳng định: "Chúng tôi có kỷ niệm đẹp ở lần dự World Cup tại Nam Phi.

Khi đó, chúng tôi đã vượt qua vòng bảng. Đây cũng là mục tiêu hàng đầu của toàn đội tại Brazil năm nay”. Tiền đạo Keisuke Honda của Nhật Bản mơ mộng hơn khi tin rằng, “Những samurai xanh” có thể vào đến tứ kết. Nhưng nói là một chuyện, còn làm được hay không lại là chuyện khác, khi đời không như là mơ.

Thực tế sân cỏ đã chứng minh rằng, bóng đá châu Á chưa thoát khỏi cảnh lực bất tòng tâm. Kết thúc vòng đấu bảng, 4 đại diện châu Á (tính cả Australia ở châu Đại dương, nhưng dự World Cup 2014 với tư cách là đại diện châu Á) đã trải qua 12 trận đấu với 0 chiến thắng, 3 trận hòa và 9 thất bại. Chỉ ghi tổng cộng 9 bàn trong khi lọt lưới tới 23 bàn, không có gì khó hiểu khi cả 4 đội châu Á đều khép lại giải đấu với vị trí bét bảng.

Nỗ lực của các đội châu Á là rất đáng ghi nhận, đặc biệt ở các cuộc so tài mà đối thủ của họ toàn ứng cử viên vô địch hoặc hội tụ phẩm chất “ngựa ô”, khi Iran chạm trán Argentina, Australia đụng độ Hà Lan, Nhật Bản gặp Colombia, Hàn Quốc đá với Bỉ...

Nhưng khi đã cố gắng đến tận cùng khả năng mà vẫn bị loại, các đội châu Á sẽ phải tự vấn về năng lực của mình. Chính tiền đạo Honda, sau khi Nhật Bản bị loại sớm đã phải thừa nhận: “Bị loại ngay từ vòng bảng là điều đáng thất vọng, nhưng chúng tôi không thể chối bỏ thực tế đó”.

Châu Á không thiếu tài năng. Họ hiện sở hữu rất nhiều cầu thủ đang chơi bóng tại các giải vô địch hàng đầu của châu Âu. Châu Á cũng không thiếu tiền bởi họ sẵn sàng thuê những huấn luyện viên châu Âu có tiếng tăm như Carlos Queiroz (dẫn dắt đội tuyển Iran) hay Alberto Zaccheroni (cầm quân đội tuyển Nhật Bản).

Nhưng các đội bóng châu Á dường như lại gặp rắc rối về giới hạn thể hình, tư duy chơi bóng. Gặp hầu hết các đối thủ, họ hầu như cam chịu đá phòng thủ, thậm chí là tử thủ như Iran khi gặp Nigeria và đặc biệt là Argentina.

Đến khi ở thế chân tường với áp lực phải thắng để cạnh tranh suất đi tiếp, các đội châu Á mới dám gạt bỏ sự tự tin, nhưng điều đó đã quá muộn bởi chơi bóng trong trạng thái buộc phải liều như thế, nhược điểm của họ càng lộ ra rõ ràng hơn.

Thất bại toàn diện tại World Cup 2014 đã dội một gáo nước cực lạnh vào sự mơ mộng của người châu Á. Nhưng đó âu cũng là điều bình thường trong cuộc sống, khi cuộc chơi cũng giống cuộc đời, đôi khi mọi nỗ lực không được đền đáp bởi rào cản mang tên “lực bất tòng tâm”.