Châu Á cần cơ chế an ninh tập thể

TP - Châu Á cần phải có một cơ chế an ninh tập thể, và có thể học hỏi bài học từ mô hình an ninh tập thể ở châu Âu để áp dụng.
Năm tàu cảnh sát biển Trung Quốc ở gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Năm 2012, Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn này từ tay Philippines. Ảnh: Manila Livewire

Đó là ý kiến được nhiều học giả trong và ngoài nước nhất trí hôm qua - ngày làm việc cuối cùng của Hội thảo quốc tế “An ninh và Phát triển biển: Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á-Âu” do Học viện Ngoại giao và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Các chuyên gia chia sẻ nhu cầu cấp thiết xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế về an ninh và an toàn trên biển ở Đông Á để phát huy vai trò kết nối của môi trường biển giữa các nước trong khu vực. Các ý kiến khuyến nghị những nước trong khu vực cần tăng cường đối thoại về việc nâng cao năng lực, thiết lập hệ thống chia sẻ thông tin và xây dựng chương trình hành động chung giữa các nước, học hỏi từ những mô hình hợp tác, thực tiễn thành công trong khu vực như mô hình hợp tác nghiên cứu khoa học biển chung giữa Việt Nam và Philippines từ 1995 đến 2008 với mục tiêu tăng cường hiểu biết chung về biển và xây dựng lòng tin giữa hai nước.

Hội thảo nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cơ chế an ninh tập thể. Trong đó, bài học về mô hình an ninh tập thể ở châu Âu được thảo luận và đề xuất khả năng áp dụng ở châu Á. Tuy nhiên, một số đại biểu nhận định, quá trình hình thành cơ chế an ninh tập thể cần có thời gian, thông qua trao đổi trực tiếp, liên tục và thực chất giữa các chủ thể liên quan, trong đó cần tận dụng vai trò của ASEAN và các cơ chế mà ASEAN là trung tâm hiện nay.

Cần sử dụng tòa quốc tế nhiều hơn

Hội thảo có hai tham luận đặc biệt của GS Erik Franck, thành viên Toà trọng tài, Trưởng khoa Luật pháp châu Âu và quốc tế, Đại học Tự do Bỉ và Tiến sĩ Raul Pangalangan, Thẩm phán Toà án Hình sự quốc tế tại La Hay, Hà Lan về kinh nghiệm tham gia, thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và giải quyết các tranh chấp biển quốc tế thông qua toà án và trọng tài. 

Theo GS Franck, ASEAN với tư cách là một tổ chức quốc tế có thể tham khảo mô hình của EU trở thành một chủ thể của quan hệ quốc tế, một thành viên của UNCLOS. Theo hướng phát triển này, ASEAN sẽ hội nhập sâu hơn về luật pháp và sử dụng luật pháp là công cụ để thúc đẩy hợp tác và giải quyết tranh chấp.

Thẩm phán Pangalangan cho biết, tỉ lệ sử dụng toà án công lý và trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp ở châu Á thấp hơn các khu vực khác. Bên cạnh rào cản văn hoá và lịch sử, trở ngại thực sự với các quốc gia châu Á chính là sự thiếu tin tưởng và thiếu cam kết với nguyên tắc của luật pháp quốc tế của các cơ quan, bộ, ngành, nhà hoạch định chính sách trong nội bộ các nước.

 Những cơ quan này thường cho rằng, tiến trình pháp lý quốc tế có khả năng bị chính trị hoá, bị thao túng. Do đó, Thẩm phán Pangalangan cho rằng, cần có trao đổi thông tin, đối thoại thường xuyên giữa các đại biểu quốc hội, bộ trưởng tư pháp với các bộ, ngành khác nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của các nhà hoạch định chính sách về tầm quan trọng và tính hữu hiệu của các toà án quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế.

Để sử dụng toà án quốc tế hiệu quả, các quốc gia cần chú trọng đào tạo, tăng cường năng lực của các luật sư trong nước để sử dụng trong các phân xử quốc tế. Trên thực tế, sử dụng toà án không phải lúc nào cũng là “lựa chọn hoàn hảo” nhưng đó là giải pháp hoà bình và công bằng. Từ khía cạnh pháp luật, vấn đề không phải là “ai thắng, ai thua” mà là tiến trình khách quan để tiến tới phán quyết công bằng và hợp lý.

Lập luận của Trung Quốc bị phản đối

Tại một phiên khác của hội thảo, các đại biểu tranh luận về cách thức áp dụng luật quốc tế và việc giải quyết các tranh chấp thông qua Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. 

Đại biểu Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc hoàn toàn có quyền từ chối tham gia Toà trọng tài thường trực thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS để xem xét vụ kiện của Philippines và sẽ không thực hiện phán quyết do Toà trọng tài đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc và đi ngược lại nguyên tắc thượng tôn pháp luật. 

Đại biểu Trung Quốc cũng đưa ra các lập luận về nghĩa vụ đàm phán song phương, nghĩa vụ thành lập trọng tài mang tính khách quan, không thiên vị và nội dung của vụ kiện về phân định biển, một vấn đề tòa trọng tài không có thẩm quyền, để bác bỏ tính hợp pháp của trọng tài.

Tuy nhiên, các lập luận này đều không nhận được sự đồng tình của các đại biểu tại hội thảo. Ý kiến chung tại hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS nói chung và cơ chế giải quyết của Công ước nói riêng. Các đại biểu nhấn mạnh đến tính ràng buộc của tòa trọng tài theo Phụ lục VII. Bản thân tòa trọng tài đã có kết luận rất rõ ràng và bác bỏ các lập luận phản đối của Trung Quốc. Trung Quốc đã có cơ hội đóng góp vào sự khách quan và công bằng của Trọng tài nhưng đã từ chối tham dự.

Các đại biểu cùng thảo luận về các đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác về an ninh và phát triển trên biển.             

Ngày 9/6 tại Nhà Trắng, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice tiếp Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan; hai bên thảo luận các thách thức như an ninh hàng hải ở biển Đông, mối đe dọa khủng bố..., CNN đưa tin. Bà Rice tái khẳng định, Mỹ đang đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương, tiếp tục đóng vai trò lâu dài tại khu vực này.