Chắt bóp từng đồng
Những ngày gần đây, mỗi khi đi chợ, chị Dương Thị Lan, ở phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, phải tính toán sao cho vừa với túi tiền, bởi nhiều mặt hàng đua nhau tăng giá. Chị Lan chia sẻ, chị làm công nhân vệ sinh môi trường, lương của chị khoảng 7 triệu đồng/tháng. Hiện chị ở cùng chồng. Toàn bộ chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào tiền lương của chị. Gần đây, xăng và gas tăng giá, kéo theo giá nhiều mặt hàng khác cũng tăng lên, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống gia đình chị. “Nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng đua nhau tăng giá, trong khi lương không tăng, bởi vậy, việc chi tiêu trong gia đình tôi phải giảm xuống hết mức”, chị Lan cho biết.
Chị Lan nhẩm tính, mấy ngày qua, giá xăng liên tục tăng, chị phải bỏ ra gần 100.000 đồng cho chi phí tiền xăng từ nhà đến nơi làm việc, tăng thêm khoảng 30.000 đồng so với trước khi xăng tăng giá. Giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng tăng theo giá xăng và gas, nên mỗi ngày, gia đình tăng thêm 30.000 đồng cho việc ăn uống.
Anh Nguyễn Văn Ngọc, phụ hồ ở xã Song Mai, thành phố Bắc Giang cũng bày tỏ lo lắng trước việc xăng, gas và nhiều mặt hàng tăng giá. Do dịch COVID-19 bùng phát nên công việc của anh không đều, thu nhập bấp bênh. Trong khi đó, thời gian gần đây, chi tiêu trong gia đình anh lại tăng lên, vì giá cả nhiều mặt hàng tăng. “Gia đình tôi phải chắt bóp từng đồng để xoay xở cuộc sống trước việc tăng giá gần đây. Thêm vào đó, vừa qua, gia đình tôi có người mắc COVID - 19, mất vài triệu đồng cho việc điều trị nên cuộc sống càng thêm khó khăn trước tình cảnh bão giá hiện nay”, anh Ngọc nói.
Chị Nông Thị Hồ, ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, một bệnh nhân điều trị ngoại trú ở thành phố Bắc Giang, thấy rõ sự ảnh hưởng của việc nhiều mặt hàng tăng giá thời gian gần đây. Trước khi xăng, gas và nhiều mặt hàng khác chưa tăng giá, chị mua một bát phở mất 30.000 đồng. Mấy ngày nay, phở lên giá 35.000 đồng. “Ðối với những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi, mỗi ngày phải tốn thêm vài chục nghìn đồng do nhiều mặt hàng tăng giá là thêm một gánh nặng”, chị Hồ nói.
Mớ rau chia đôi
Quá 12 giờ, chị Hoàng Thị Nam, quê ở xã Đại Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, mới về đến phòng trọ chuẩn bị bữa cơm trưa. Chị nấu một nửa mớ rau cải cho cả nhà 3 người ăn, nửa mớ rau còn lại, chị để bữa tối. Chị Nam tâm sự, chồng và con chị bị bệnh thận và thường xuyên chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Để có tiền chăm sóc chồng con chống chọi bệnh tật, buổi sáng, chị làm lao động tự do ở chợ, chiều tối chị đi rửa bát thuê cho các quán ăn ở thành phố Bắc Giang.
Ngày nào nhiều việc, chị kiếm được khoảng 200.000 đồng, ngày ít việc, chị chỉ được vài chục nghìn đồng. “Ngày trước, cuộc sống của gia đình tôi vốn khó khăn. Bây giờ, giá xăng và gas tăng, kéo theo nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng giá khiến cuộc sống của gia đình tôi càng thêm chật vật. Mấy ngày nay, rau xanh cũng tăng giá gấp đôi, gia đình tôi mua một mớ rau phải chia đôi để nấu hai bữa. Chúng tôi rất mong muốn giảm giá xăng, gas và các mặt hàng khác để cuộc sống của những người có hoàn cảnh như gia đình tôi bớt khốn khó”, chị Nam than thở.
Chị Nam cho biết, gần đây, dịch bùng phát mạnh, nhiều quán ăn vắng khách nên ảnh hưởng đến việc rửa bát thuê cho các nhà hàng của chị. Gas tăng giá, gia đình chị chuyển sang đun bằng củi, chỉ khi nào thật sự cần thiết mới nấu bằng gas. Hằng ngày, chị đi tìm, nhặt những que củi ven đường về phòng trọ nấu cơm để tiết kiệm tiền gas.