Theo người đứng đầu Điện Elysee, một liên minh chống khủng bố rộng rãi và thống nhất là điều cần thiết để đánh bại tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS).
Pháp là một trong những nước đầu tiên ủng hộ thành lập liên minh do Mỹ dẫn đầu chống IS ở Iraq và Syria hơn 1 năm trước. Nếu như ở Iraq, Pháp thực hiện khoảng 1.300 chiến dịch không kích, thì ở Syria, Pháp chỉ cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy ôn hòa Syria. Vụ khủng bố đẫm máu ở thủ đô Paris hôm 13/11 khiến 129 người chết, 353 người bị thương là động lực chính khiến giới chức Pháp quyết định can dự vào Syria.
Tuy nhiên, động thái “mất bò mới lo làm chuồng” của Pháp không thực sự thuận lợi.
Có sự bất đồng giữa các nước lớn xung quanh đề xuất thành lập liên minh chống IS của ông Hollande. Trong cuộc gặp ở Washington, TT Mỹ Barack Obama chỉ cam kết mở rộng không kích IS cùng Pháp và hỗ trợ Pháp trong lĩnh vực cung cấp thông tin tình báo. Vấn đề quan trọng nhất là đứng cùng Nga trong một liên minh chống IS thì ông Obama bày tỏ thái độ thận trọng.
Ông Obama cho rằng, chừng nào Mátxcơva chưa thay đổi quan điểm ủng hộ TT Syria Bashar Al-Assad thì chừng đó sẽ không có chuyện liên minh. Ông Obama cũng không ngần ngại so sánh: Mỹ đang cùng liên minh 65 nước đánh IS thì Nga chỉ là “liên minh hai nước” (gồm Nga và Iran).
Trong khi đó, Nga cho biết chỉ hợp tác với liên minh do Pháp đề xuất nếu Mỹ và đồng minh tôn trọng chủ quyền và quyền lợi của lãnh đạo Syria. Chưa kể, sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga hôm 24/11, có vẻ như liên minh chưa kịp hình thành đó đã bị một đòn đánh mạnh vào sườn, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nội tại nước Pháp cũng bộc lộ vấn đề sau vụ khủng bố. Bộ Nội vụ Pháp ước tính khoảng 500 công dân nước này tới Syria, và gần 300 người trở lại Pháp. Khoảng 1.400 người Pháp cần bị giám sát 24/24. Vậy nhưng số lượng nhân viên an ninh Pháp làm nhiệm vụ này cũng chỉ bằng 1/10 con số cần thiết. Điều này lí giải vì sao một số kẻ tấn công tại Paris nằm trong tầm ngắm của an ninh Pháp nhưng vẫn chưa bị bắt.