Chất lượng giáo dục có chuyển biến không?

TP - “Đến hết nhiệm kỳ này, chất lượng giáo dục có chuyển biến được không, nhân dân và Bộ trưởng có yên tâm được không...?”- Đó là chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận, hôm qua 22/3.

> Đề nghị đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa
> Chất vấn Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng GD&ĐT

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch QH, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “xin hứa với Chủ tịch QH, ĐBQH sẽ mang hết trí tuệ, quyết tâm để cùng toàn ngành giáo dục, toàn dân, triển khai các hoạt động cụ thể nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Hy vọng chất lượng giáo dục nước nhà sẽ từng bước có thay đổi, có sự nâng cao chất lượng trong những năm tới”.

Theo ông Luận, Bộ GD&ĐT không chờ có các Nghị quyết mới triển khai, mà đã từng bước triển khai và đã có kết quả trong một số lĩnh vực.

Ví dụ, bậc đại học đã có những triển khai bước đầu trong thi cử, tuyển sinh, đào tạo...; Khu vực phổ thông thì phải sau năm 2015 mới có thể triển khai đổi mới sách giáo khoa...

 “Sau Đồi Ngô, nghiên cứu thấy cần giám sát cả cán bộ coi thi, chấm thi và chỉ đạo thi”  

Chất vấn trách nhiệm Bộ GD&ĐT cho mở hàng loạt các trường đại học nhưng sinh viên ra trường lại thất nghiệp, làm trái ngành... ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, nguyên nhân chính là quản lý còn yếu kém.

“Trách nhiệm của Bộ là gì, Bộ trưởng có giải pháp đột phá nào trong thời gian tới?” - ĐB Nga chất vấn. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc mở trường là cần thiết, tuy nhiên chủ trương không mở tràn lan.

Thực tế có trường không đảm bảo chất lượng đã phải chấn chỉnh, kể cả ở trường có truyền thống; cơ sở nước ngoài vi phạm, không đảm bảo chất lượng cũng sẽ đóng cửa.

“Bộ nhận trách nhiệm để xảy ra yếu kém trong thời gian qua, đồng thời đã chỉ đạo dừng việc mở mới đại học. Giải pháp là sẽ chuyển dần sang mô hình đào tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả...” - Bộ trưởng thừa nhận.

Cũng theo ông Luận, sinh viên không tìm được việc vì chất lượng chưa tốt, thiếu tiếng Anh, tin học... Đó cũng là trách nhiệm của Bộ. Những vấn đề này phải tính toán lại. Bộ cũng đã phát cảnh báo những ngành có nguy cơ khủng hoảng thừa.

Việc gì có lợi cho dân thì phải làm

 Bộ trưởng nghĩ gì về việc ngành giáo dục đã quá chậm trễ đưa kiến thức về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào nhà trường, vào sách giáo khoa? Trong khi đó ngày càng xuất hiện nhiều sai sót khó có thể chấp nhận trong việc giáo dục ý thức chủ quyền đất nước trong một số sách do ngành Giáo dục biên soạn và xuất bản? 

ĐB Huỳnh Nghĩa
(Đà Nẵng) chất vấn

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, ý kiến đề xuất rút ngắn còn một kỳ thi sẽ được nghiên cứu để thực hiện khi có đủ điều kiện. Đó là khi kỳ thi tốt nghiệp THPT phải thực chất, nghiêm túc, không phải là kỳ thi chạy theo bệnh thành tích nữa.

Cũng theo ông Luận, Bộ đã chỉ đạo không cho đào tạo thạc sỹ ngoài cơ sở đào tạo, đồng thời siết đào tạo bậc tiến sỹ trong những năm tới.

Theo ông, mặc dù có nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, nhưng thực tế chúng ta đang thiếu thợ lành nghề, thiếu thầy tốt, chứ không phải là “thừa thầy, thiếu thợ”.

Trả lời chất vấn của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc “có sự phân biệt của Bộ đối với các trường ngoài công lập hay không?”, Bộ trưởng Luận cho biết: “Bộ không trù dập ai, những trường vi phạm trong hay ngoài công lập đều phải xử lý. Vừa qua đã xử lý những trường ngoài công lập vì có đấu đá, tranh giành lợi ích lẫn nhau, làm mất hình ảnh môi trường giáo dục”.

Trả lời ĐBQH về mô hình trường thực nghiệm, Bộ trưởng Luận cho biết: Trường thực nghiệm là mô hình thuộc Bộ. Vì là thực nghiệm nên không triển khai rộng, mà dùng để nghiên cứu, ứng dụng kết quả mới nhất trong giáo dục.

Tuy nhiên, đến nay mô hình này đã được triển khai ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc, vùng khó khăn, mục đích là trong một thời gian ngắn học sinh biết đọc, biết viết, không bị tái mù chữ.

“Sau khi tôi làm Bộ trưởng, chính GS Hồ Ngọc Đại hỏi tôi là cho triển khai như vậy, Bộ trưởng có sợ không? Tôi bảo em cũng sợ lắm, nhưng mà nhớ Bác Hồ dạy việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm...!” - Bộ trưởng Luận nói.

Truy trách nhiệm sách in cờ Trung Quốc

Câu chuyện sách học vần, tập tô cho bé có in cờ Trung Quốc... được nhiều ĐBQH nêu ra, truy trách nhiệm Bộ GD&ĐT. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đặt câu hỏi: Phải chăng chúng ta không đủ năng lực nên phải dịch sách nước ngoài, nên các bé sắp vào lớp một phải học cờ mà không phải cờ Việt Nam?

“Đây là tình trạng đáng báo động. Nếu không chấn chỉnh, có thể sẽ lặp lại. Liệu có lợi ích nào chi phối không?” – ĐB Nghĩa chất vấn.

Bộ trưởng Luận cho biết, sách tốt chúng ta không ngăn cấm dịch. Còn sách đánh vần vừa qua là do một nhà xuất bản ngoài ngành, lưu hành trôi nổi trên thị trường. Vấn đề này sẽ xử lý theo Luật Xuất bản. “Việc vi phạm tại Nhà xuất bản Đại học Sư phạm vừa qua, Bộ đã chỉ đạo Hiệu trưởng kiểm điểm trách nhiệm liên quan”- ông Luận cho biết.

Theo Báo giấy