Chánh Tín: Cơ duyên với ‘Ván bài lật ngửa’ và 3 phút hằn sâu tâm trí khán giả

TPO - Thời điểm công chiếu, “Ván bài lật ngửa” nhanh chóng trở thành hiện tượng trong nước. Nguyễn Chánh Tín cũng từ một diễn viên vô danh vụt sáng thành ngôi sao được săn đón nhất nhì lúc bấy giờ.

Rạng sáng ngày 4/1, NSƯT Nguyễn Chánh Tín đột ngột qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 68 tuổi. Vợ ông, ca sĩ Bích Trâm, cho biết, hai vợ chồng vẫn trò chuyện với nhau bình thường vào đêm trước đó. Tuy nhiên, khi bà Bích Trâm gọi chồng dậy ăn sáng, ông đã lạnh người.

Sự ra đi của NSƯT Chánh Tín khiến nhiều người sốc và bàng hoàng và không khỏi tiếc thương.

Cố NSƯT Nguyễn Chánh Tín sinh năm 1952 tại Bạc Liêu. Ông gia nhập showbiz với vai trò ca sĩ, tuy nhiên lại nổi danh ở phim ảnh. Vai diễn đầu tiên của ông là trong "Vĩnh biệt mùa hè" vào năm 22 tuổi. Sau đó, ông chủ yếu lưu diễn cùng các đoàn tạp kỹ và đóng thêm một vài bộ phim khác. Mãi đến năm 1982, khi vừa tròn 30 tuổi, cơ duyên đưa đẩy đến với nhân vật Đại tá Nguyễn Thành Luân trong “Ván bài lật ngửa” đã giúp ông vụt sáng thành ngôi sao sáng giá lúc bấy giờ.

Poster Ván bài lật ngửa.

Ván bài lật ngửa là bộ phim nhựa gồm 8 tập về đề tài tình báo những năm 1982 – 1987. Đây là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Vai diễn nhà tình báo Nguyễn Thành Luân của Chánh Tín cũng ăn sâu trong lòng nhiều thế hệ khán giả Việt.

Tuy nhiên, Nguyễn Chánh Tín không phải là lựa chọn đầu tiên cho vai diễn để đời này. Được biết, khi casting, biên kịch – nhà văn Trần Bạch Đằng đã chọn một diễn viên khác và cũng quay xong tập 1 rồi. Tuy nhiên, ông Trần Bạch Đằng vẫn chưa hài lòng với lựa chọn này, nên quyết định tuyển lại diễn viên.

Chánh Tín lúc đó đang làm việc trong một gánh hát, chỉ có chút ít kinh nghiệm diễn xuất. Ông cũng chưa từng có ý tưởng đi casting cho “Ván bài lật ngửa”. Nhưng biên kịch Trần Bạch Đằng lại nhận thấy "diễn xuất của Chánh Tín chân thật, tự nhiên và có một nét gì đó khác người".

Khi nhận được lời mời vào vai Đại tá Nguyễn Thành Luân, Chánh Tín từ chối vì vai diễn lấy nguyên mẫu từ nhân vật có thật - Đại tá Phạm Ngọc Thảo. Ông sợ không đủ sức cáng đáng vai diễn nặng ký này, cũng như nhận thấy được sự khác biệt giữa tính cách ông và nhân vật. Tuy nhiên, sự kiên trì thuyết phục của ông Trần Bạch Đằng đã khiến Chánh Tín xuôi lòng.

Sở hữu ngoại hình cao lớn, gương mặt điển trai, thông minh và đôi mắt đầy tâm sự, Chánh Tín đã hóa thân xuất sắc vào vai Nguyễn Thành Luân, nhà tình báo thời Mỹ - Diệm hoạt động giữa lòng địch.

Thời điểm công chiếu, “Ván bài lật ngửa” nhanh chóng trở thành hiện tượng trong nước. Nguyễn Chánh Tín cũng từ một diễn viên vô danh vụt sáng thành ngôi sao được săn đón nhất nhì lúc bấy giờ.

Nhân vật Đại tá Nguyễn Thành Luân được yêu thích hơn nhờ ngoại hình lý tưởng, gương mặt điển trai khá "Tây" của Nguyễn Chánh Tín. Tạo hình quan trọng, nhưng diễn xuất “xuất thần” của ông đóng vai trò quyết định cho sức hút của nhân vật. Người xem phải “nín thở” trước màn đấu trí căng thẳng, kịch tính của Đại tá Nguyễn Thành Luân với phía bên địch; hay hồi hộp theo cảnh rượt đuổi gay cấn bằng xe gắn máy xen lẫn đấu súng đầy chất hành động Hollywood của ông ở Đà Lạt.

Để lại ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là cảnh nhà tình báo bước xuống từ chiếc xe hơi màu đen, trong trang phục áo măng tô, mũ phớt đen, chậm rãi bước đi trên con đường đầy lá rơi trong rừng cao su dài hun hút. Phân cảnh kéo dài tới 3 phút đủ để in hằn sâu vào tâm trí người xem khung cảnh đầy chất điện ảnh, thơ mộng và vô cùng hùng tráng.

 Đại tá Nguyễn Thành Luân do Chánh Tín thủ vai là "tượng đài" trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Đến nay, dù Nguyễn Chánh Tín đã bước sang một thế giới khác, những người yêu mến điện ảnh sẽ mãi nhớ về ông. Người ta sẽ nhớ mãi về hình ảnh một sĩ quan tình báo phong trần, lãng tử đầy bí ẩn khiến bao trái tim thiếu nữ phải thổn thức.

Theo T/h