Chán “làm người tốt”

TP - Mấy chục phim, các vai diễn đóng đinh với kiểu người tốt, khắc khổ nên NSƯT Trung Anh khá phấn khích nhận vai nhà văn Xuân Ngô trong Những công dân tập thể, phát trên VTV3.
NSƯT Trung Anh vào vai nhà văn gàn và nhiều toan tính Ảnh: Thanh Tú

> 'Những công dân tập thể'

Anh bị đóng đinh vào các nhân vật hiền lành, một màu, vai Xuân có phần phá cách hơn làm anh hứng thú?

Ngay khi đọc kịch bản tôi rất thích rồi. Một ông nhà văn hơi gàn, nảy nở tình yêu xế bóng với bà bác sĩ Nha (NSND Lan Hương). Tôi nhìn thấy dạng nhân vật khác những gì mình hay làm, nên tương đối tập trung đầu tư từ hình dáng cho đến cách diễn.

Kiểu tóc dài buộc túm, trang phục, guốc mộc cũng một tay tôi chọn, các đoạn diễn tôi cũng để ý rất kỹ.

Tôi không cố diễn hài hước, chỉ cần chân thật thôi bởi tự nhân vật toát lên hết. Thậm chí, đợt ấy phần vì bận, phần vì mật độ phim tôi tham gia lên sóng dày đặc, lại muốn lột xác hoàn toàn nên tôi nhờ anh Trung Hiếu lồng tiếng.

Xem ra anh không muốn “làm người tốt” nữa?

Đúng là tôi chán lắm lắm rồi, nhiều khi không muốn nhận những vai như chẳng diễn gì cả, dù gần gũi với mình (cười).

Phim Đàn trời chẳng hạn, kịch bản hay nhưng nhân vật của tôi từ đầu đến cuối cứ bàng bạc. Đóng thì hợp nhưng tôi không thích nhân vật một chiều. Làm thì dễ thôi nhưng chính cái dễ làm cho mình không thích, và không hay được.

Vậy mà anh vẫn nhận, lại còn cả vai trong “Đại lộ tình yêu” sắp xong cũng không mấy khác biệt?

Vai trong Đàn trời tôi từ chối mấy lần đấy chứ, nhưng vì tình nghĩa với anh Bùi Huy Thuần nên lại nhận. Rồi còn cuộc sống, gia đình nữa, không đơn giản thích là được. Nghề chính sân khấu đã ít được diễn rồi, nên dù chán đôi khi tôi cũng nhận và mỗi vai diễn hiền lành đều cố gắng thể hiện khác đi.

Trong “Những công dân tập thể”, anh lại đóng cặp với Lan Hương, liệu có nhàm?

Đúng là chúng tôi đóng cùng nhau nhiều quá, phim cũng nhiều, kịch cũng lắm từ hồi còn trẻ. Phim này khác, hai người có tình cảm ở độ tuổi làm ông, bà rồi. Trẻ diễn yêu thế nào cũng được, dễ chấp nhận, chứ tuổi này chỉ cần quá đi một chút dễ thành lố. Nhất là nhân vật hơi gàn gàn dở dở, không cẩn thận thành lố.

Có bao giờ anh gặp sự cố, bị ghen vì phim giả tình thật?

(Cười) Không, ghen làm sao được. Ông xã Lan Hương là NSƯT Đỗ Kỷ học cùng khóa, biết nhau từ năm chưa 20 tuổi, thậm chí tôi và anh ấy còn cùng đi bộ đội rồi mới về Nhà hát kịch VN.

“Những công dân tập thể” phản ánh cuộc sống của một phần cư dân Hà Nội trong những khu nhà cũ kỹ, anh có trải nghiệm nào không?

Tôi hiện đang sống ở nơi như thế, đó cũng là lí do tôi thích kịch bản. Cuộc sống va chạm, phức tạp, nhiều khi chỉ vì quyền lợi rất nhỏ cũng xích mích. Nó cũng phản ánh một phần rất thực tế những khu tập thể ở Hà Nội hiện nay, chất lượng sống rất kém, thậm chí nguy hiểm, rất cần thay đổi. Nhưng có những thứ người ta gắn bó, khi chia tay với nó hoặc chia tay với nhau cũng có những bịn rịn nhất định.

Sau những sóng gió vừa qua ở Nhà hát Kịch VN, anh được các nghệ sĩ tín nhiệm bầu vào ban giám đốc. Lúc đầu anh thuận, sau vì đâu anh lại muốn rút?

Nhà hát tôi 10 năm trở lại đây bê bết và nhiều chuyện quá, tôi là một trong những “nhân chứng lịch sử”. Tôi thấy con người sống với nhau kinh khủng quá, nhà hát nào cũng như nhà hát nào.

Ngày xưa vì sức ép của anh em mà mình làm- như hồi làm đoàn trưởng hai đoàn, rồi cũng vì trách nhiệm mà tôi thôi. Đã làm phải làm cho mọi thứ tốt lên, thà rút từ bây giờ còn hơn sau này làm không tốt mới lui.

Anh rút cũng bởi muốn dành thời gian cho khóa học đạo diễn, và chuẩn bị những bước đi mới?

Tôi còn một năm nữa mới xong lớp đạo diễn điện ảnh-truyền hình. Tôi cực kỳ yêu sân khấu, điện ảnh hơi thích còn phim truyền hình nhiều khi vì làm nhanh quá, vì cuộc sống nên không đảm bảo chất lượng.

Theo Báo giấy