> Địa phương đầu tiên thi tuyển lãnh đạo sở
> Kiểm tra, chưa phát hiện ai 'chạy' công chức 100 triệu
> Thi công chức: Không được luân chuyển khi liên quan tiêu cực
> Lần đầu tiên thi công chức nhà nước trực tuyến
Hai nữ cán bộ này đã vượt qua 9 thí sinh khác, trong đó có người ở vị trí cao hơn mình. Hôm nay 14/1, việc bổ nhiệm có thể được tiến hành ngay.
Nữ Giám đốc 37 tuổi
Thí sinh thi tuyển vào chức danh Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long (tương đương giám đốc sở) là bà Phạm Thùy Dương (37 tuổi, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Công viên Vạn Cảnh, Ban quản lý vịnh Hạ Long).
Bà Phạm Thùy Dương chia sẻ thời gian chuẩn bị chỉ khoảng 2 tháng kể từ khi được giao đề tài yêu cầu đề xuất ý tưởng, giải pháp bảo tồn và phát huy di sản vịnh Hạ Long. Trong phần thi, bà đã phải trình bày đề tài và phản biện, bảo vệ ý tưởng của mình suốt 90 phút.
Bà Dương tâm sự, mục tiêu tham gia kỳ thi không hẳn là để giành ghế Trưởng ban Quản lý mà còn là cơ hội trình bày được các ý tưởng, giải pháp với mong muốn làm sao cho Vịnh Hạ Long tốt hơn. "Đạt được kết quả này, tôi quả thật thấy có áp lực để sắp tới làm tốt hơn và thay đổi được những hạn chế của vịnh", bà Dương chia sẻ với báo chí.
Với kinh nghiệm 15 năm công tác tại Ban Quản lý vịnh nên bà Dương nhìn ra những hạn chế của Vịnh Hạ Long để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn tốt hơn và phát huy di sản. Theo bà, mấu chốt là giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa việc khai thác và quản lý, bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, trong đó yêu cầu đầu tiên là phải giữ được sự nguyên sơ của vịnh.
"Khi dự thi, tôi chỉ là chỉ là trưởng một đơn vị cấp phòng, nếu theo quy trình trước đây chắc chắn còn một thời gian dài tôi mới có thể tiếp cận đến với chức danh cấp lãnh đạo sở. Cuộc thi là bước để lãnh đạo tỉnh phát hiện ra nhân tố để đưa vào công tác quản lý với chức vụ quan trọng", bà Dương nói.
Ý tưởng đột phá, nhưng khả thi
Thí sinh thứ hai là bà Phạm Hồng Lan (45 tuổi, Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) trúng tuyển chức danh Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
Tân Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Quảng Ninh cho rằng quá trình thi diễn ra khách quan, bài bản, nghiêm túc và công khai minh bạch. Theo bà Lan, thí sinh tự do trình bày ý tưởng và việc đến ngày thi mới nộp đề tài nên ý tưởng được giữ bí mật tới phút cuối.
Bà an khẳng định trải qua kỳ thi mới tâm lý thoải mái. Sau phần trình bày đề án, bà nhận được tới 12 câu hỏi, trong đó riêng Bí thư tỉnh ủy Phạm Minh Chính đặt 3 câu. "Khi được đặt vào cương vị lãnh đạo sở, để thuyết phục được ban giám khảo, tôi cho rằng các giải pháp, ý tưởng đưa ra phải có tính đột phá song khả thi", bà Lan nói.
Bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cho, sau đợt thi này, Quảng Ninh sẽ mở rộng đối với tất cả chức danh thuộc diện bổ nhiệm làm lãnh đạo quản lý của tỉnh.
Theo bà, kỳ thi là bước đột phá của Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4 của Đảng về đổi mới công tác cán bộ. Kỳ thi tuyển tạo tâm lý tốt bởi đối tượng dự thi không chỉ là người được quy hoạch trong chính đơn vị đó mà còn mở rộng đến các sở, ngành liên quan trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là cách làm mới, nằm trong chiến lược nguồn nhân lực tới 2020 của tỉnh.
"Tôi vui vì sau quá trình chuẩn bị, tâm huyết và khát khao cống hiến của mình đã được ghi nhận. Trên cương vị mới sắp tới, tôi không thấy mình bị nhiều áp lực mà sẽ chủ động tìm hiểu, học hỏi thêm về công tác quản lý ", bà Lan nói.
Đổi mới công tác cán bộ
Bà Phạm Hồng Lan chia sẻ: Việc thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp sở có thể coi là sự đổi mới, cách làm “đột phá” trong công tác cán bộ của tỉnh. Đối tượng dự thi được mở rộng, ngoài cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo quản lý tại đơn vị được bổ nhiệm thì các đơn vị khác cũng có thể cử cán bộ tham gia. Quá trình tổ chức thi tuyển đảm bảo khách quan, nghiêm túc, công bằng và dân chủ. Đây cũng là cơ hội cho tất cả các thí sinh được thể hiện và khẳng định mình.