'Chẩn bệnh, bốc thuốc' lao động Việt

TP - Sau hơn 30 năm mở cửa, thị trường lao động (LÐ) Việt Nam đã có nhiều bước tiến, nhưng đối mặt với thời kỳ công nghiệp hóa, LÐ Việt lại thua kém ngay trên sân nhà. Trong khi đó, dù lực lượng LÐ Việt đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hàng năm, với dòng kiều hối lớn, nhưng chủ yếu đi làm các công việc phổ thông.
Ngay trên sân nhà, lao động Việt cũng chủ yếu làm các công việc giản đơn, như may mặc, giày da, lắp ráp điện tử. Ảnh: PT.

Kỹ sư cũng chủ yếu làm công việc đơn giản

Anh Trần Thanh Tùng (30 tuổi, ở Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ, năm 2014, anh vào làm cho Tập đoàn FPT, tới năm 2016 được cử sang làm cho văn phòng tập đoàn tại Malaysia theo diện kỹ sư công nghệ. Sau 1 năm làm việc ở nước bạn, anh về nước và ra mở công ty riêng chuyên gia công phần mềm. Anh Tùng đánh giá, khi đi làm việc ở nước ngoài mới thấy môi trường làm việc và độ chuyên nghiệp cả về quản lý lẫn người LĐ của họ cao hơn Việt Nam rất nhiều. Nói về thương hiệu LĐ Việt khi ra nước ngoài, anh Tùng cho rằng, các ông chủ nước ngoài đánh giá cao LĐ Việt ở sự chịu khó, cần cù, ít kêu ca và đòi hỏi. “Dù mình và nhiều người khác đi làm theo diện kỹ sư công nghệ, nhưng sang đó vẫn chủ yếu làm các công việc đơn giản, không yêu cầu quá cao về chất xám, sáng tạo. Đặc biệt, người Việt giao tiếp rất kém do hạn chế ngoại ngữ, hiểu biết luật pháp các nước còn nhiều hạn chế”, anh Tùng nhận xét.

Khi về Việt Nam trực tiếp làm chủ doanh nghiệp, thực hiện tuyển dụng và sử dụng LĐ Việt, anh Tùng cũng gặp phải những vấn đề trên và nghịch lý trong tuyển dụng. Theo đó, nếu tuyển người làm được việc ngay phải trả lương cao dù chưa phải chuyên gia gì, trong khi tuyển sinh viên mới ra trường phải đào tạo lại từ đầu, vì kiến thức nhà trường dạy không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Còn anh Vũ Văn Thế (32 tuổi, quê Cẩm Giàng, Hải Dương, hiện đang là du học sinh vừa học vừa làm tại Nhật Bản) cho biết, có nhiều người như anh, lấy mác đi học nhưng thực chất sang Nhật đi làm. Theo anh Thế, các ông chủ và công nhân người Nhật cũng đánh giá cao LĐ Việt ở sự chăm chỉ, được việc hơn so với LĐ Nepal hoặc Philippines. Tuy nhiên, theo anh Thế, người dân các nước có nhiều LĐ Việt tới làm việc lại không mấy thiện cảm, do người Việt hay trộm cắp vặt, ăn ở bừa bộn, hay rượu bia và ồn ào.

Theo anh Thế, du học sinh Việt sang Nhật đa số để đi làm thêm, nên ít tập trung cho việc học, trong khi du học sinh các nước khác dù đi làm vẫn dành thời gian cho việc học, nên về ngôn ngữ và kỹ năng tiến bộ tốt hơn. “Đa phần người mình sang Nhật lấy danh nghĩa đi học nhưng thực chất chỉ tranh thủ cày cuốc kiếm tiền. Do nhiều người phải vay mượn mới có chi phí đi, nên nói sang học nhưng chỉ đánh trống ghi danh vậy. Sau thời gian 2 năm học tiếng, với học phí thấp và có nhiều thời gian đi làm, tới khi phải học vào chuyên môn nhiều người không theo được nên bỏ về nước”, anh Thế nói. Để cải thiện hình ảnh LĐ Việt ở nước ngoài, theo anh Thế, những bất cập trên cần sửa đổi từ mỗi người.

Còn theo ông chủ doanh nghiêp trẻ Trần Thanh Tùng, người LĐ Việt cần cải thiện tính kỷ luật, tập trung và cống hiến trong công việc, đặc biệt là khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Khi ra nước ngoài làm việc, LĐ Việt cũng cần tự nâng cao kiến thức về luật pháp và chế độ đãi ngộ của nước sở tại tránh bị chèn ép. “Với mỗi người cần ý thức được việc tự trau dồi, nâng cao trình độ kỹ thuật. Người Việt cũng cần khát khao hơn vì đa phần thích ổn định, bình bình, không nhiều khát khao làm giàu, cống hiến hoặc thăng tiến. Cùng đó, khi ra nước ngoài làm việc cần ý thức được tinh thần dân tộc, bảo vệ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”, anh Tùng góp ý. Về khía cạnh nhà tuyển dụng, anh Tùng mong muốn các trường trong nước đào tạo thực chất hơn, để sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay, thay vì doanh nghiệp phải đào tạo lại từ đầu, tốn kém thời gian, tiền bạc.

TS Ðào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội.

Muộn còn hơn không

Trao đổi với Tiền Phong, TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học LĐ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, LĐ Việt có khả năng sáng tạo, cần cù, được đào tạo cơ bản. Các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam chủ yếu tận dụng lao động phổ thông, giá rẻ, như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử… nên hiện tại vẫn đáp ứng được. Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng năng suất… LĐ Việt còn phải phấn đấu nhiều.

Dẫn Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2017, tính cạnh tranh của LĐ Việt chỉ xếp thứ 84/137 quốc gia, với mức điểm bình quân 5,1/10 điểm, ông Vinh cho rằng, LĐ Việt chỉ ở mức trung bình. Theo ông Vinh, năng lực cạnh tranh của LĐ Việt chỉ tương đương Philippines, kém xa LĐ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, và bị LĐ Singapore bỏ rất xa. Dù 22% LĐ Việt có bằng cấp, chứng chỉ nghề, tỷ lệ này cũng không phải cao, chưa kể những người tay nghề thật sự trong số có bằng cấp còn khác biệt lớn. Đặc biệt, LĐ Việt thiếu các kỹ năng mềm, như ngoại ngữ, sự phản biện, làm việc nhóm. Cũng vì rào cản ngoại ngữ, nên khả năng tiếp cận và học hỏi khoa học kỹ thuật mới gặp nhiều khó khăn.

Khi gặp các lãnh đạo doanh nghiệp, ông Vinh cũng ghi nhận nhiều phản ánh về khó khăn trong tuyển dụng LĐ làm được việc, có khi hàng chục ứng viên mới tìm được 1 người, và vẫn phải đào tạo lại. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, dù nhiều trường tăng thời gian thực hành, nhưng thiết bị thực hành đã quá lạc hậu so với công nghệ doanh nghiệp sử dụng.

Với LĐ Việt làm việc ở nước ngoài, theo vị chuyên gia trên, dù có nửa triệu người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng chủ yếu làm các công việc bậc trung bình thấp (giúp việc gia đình, nông nghiệp, xây dựng, đánh bắt hải sản...). Về chuyên gia, nhà quản lý, trong nước còn thiếu, đâu dư thừa để đưa đi nước ngoài làm việc. Ông Vinh dẫn chứng, trong các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, số chuyên gia người Việt được đào tạo trong nước rất ít, nếu có người Việt cũng chủ yếu họ được đào tạo ở nước ngoài về nước làm việc.

Ngay khẩu hiệu người Việt cần cù, chịu khó, giá rẻ được giáo viên phổ biến với học sinh, theo ông Vinh, cũng cần thay đổi, dù có muộn. Thực tế, LĐ các nước giờ cần cù, chịu khó hơn người Việt, trong khi lợi thế LĐ giá rẻ của Việt Nam đang mất dần. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chất lượng LĐ cao hơn, các nghề thâm dụng LĐ phổ thông sẽ thay công nhân bằng máy móc, robot, đòi hỏi thay đổi càng cấp thiết hơn, tiến trình thay đổi sẽ rất nhanh. “Chúng ta tiến lên công nghiệp hóa sẽ không thể đạt được nếu vẫn đem tư duy sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt cần loại bỏ tư duy hình thức, khẩu hiệu, chuộng bằng cấp, mơ mộng xa rời thực tế và khả năng của mình. Khi tư duy thay đổi, chúng ta mới có hy vọng thay đổi về chất lượng, tay nghề, kỹ năng của LĐ trong nước và trên thị trường quốc tế”, ông Vinh nhắn nhủ tới người LĐ và các nhà quản lý.

Hiện Việt Nam có trên 500.000 lao động làm việc có hợp đồng tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, mỗi năm có thêm khoảng 100.000 người được đưa đi, chủ yếu đi làm việc tại Ðài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Ðông. Lao động Việt ra nước ngoài chủ yếu là sản xuất chế tạo, xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp, giúp việc gia đình. Những năm gần đây, dòng kiều hối của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt khoảng 2 tỷ USD/năm.