Chấm thi trắc nghiệm bằng máy gặp nhiều rắc rối

TP - Theo một nguồn tin đáng tin cậy, ngay từ cuộc chấm thử đầu tiên, máy móc đã trục trặc, toàn bộ phần bài thi đã chấm ngày 17/7 không cho kết quả đúng và đến ngày 18/7, Bộ GD-ĐT đã phải chấm lại.
Giảng viên ĐHKH Tự nhiên chấm thi ĐH 2006

Trước đó, những trường như Đại học Ngoại ngữ, Đại học Ngoại thương... đã không ngần ngại trao việc chấm thi môn ngoại ngữ cho Bộ GD-ĐT.

“Một chiếc máy chấm bài thi trắc nghiệm được chào hàng với giá khoảng 20.000 USD. Những trường không muốn đầu tư vào một khoản “mất hút” (vì đã có chủ trương đến năm 2009 không thi đại học nữa) đã không tự chấm thi môn ngoại ngữ”, một vị Hiệu trưởng Đại học đã giải thích như vậy ngay từ khi kỳ thi tuyển sinh 2006 mới bắt đầu. 

Trục trặc máy móc hay con người?

Thông tin bước đầu là máy chấm không đọc được những bài thí sinh đã làm rồi mặc dù đó là những bài gốc của thí sinh được mang lên tận nơi chứ không phải những bài quét bằng máy scan gửi đến như Bộ GD-ĐT yêu cầu một số trường tự chấm phải làm.

Giải thích điều này, một nhà tuyển sinh của một trường ĐH nói: Có lẽ, do khâu chuẩn bị của Bộ GD-ĐT chưa được kỹ lưỡng, công việc chấm có thể vì thế mà mất nhiều thời gian. Lấy ĐH Ngoại thương làm ví dụ, trường này đã thi trắc nghiệm nhiều và tự chấm bằng phương pháp thủ công (thầy chấm). Tất nhiên, làm như thế có thể mất thời gian nhưng không nhiều lắm, đơn giản hơn và không lâu.

Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Ngoại thương nêu ý kiến: Nếu sang năm vẫn tổ chức thi trắc nghiệm, đề nghị Bộ GD-ĐT để các trường tự chấm bằng máy hoặc tự chấm thủ công vì điều cần quan tâm trong công tác chấm thi  là độ chính xác, là tiến độ để kịp thời hạn công bố điểm.

Ông Sơn nhấn mạnh, nếu chấm thủ công, ông dám đảm bảo về độ chính xác (trừ phi là có người nào đó cố ý làm sai, cố ý tiêu cực). Với mức độ khoảng 2.000 bài thi, Đại học Ngoại thương chấm không quá 2 ngày.

“Căn cứ vào đâu mà Bộ cứ yêu cầu phải chấm bằng máy?”, một nhà tuyển sinh đặt câu hỏi. Có những máy được chào hàng với giá rất đắt: 21.000 USD/máy. Bỏ ra hơn 300 triệu để  xài trong 3 năm, sau đó không thể sử dụng vào việc chấm thi các môn khác (vì  khác phần mềm) thì thật không đáng. “Cái mà các nhà tuyển sinh cần quan tâm là độ chính xác chứ không phải máy móc nghe cho có vẻ hoành tráng, hiện đại...” là ý kiến của một ủy viên Hội đồng tuyển sinh trường Đại học nọ. 

Về việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tự chấm thi trắc nghiệm phải quét toàn bộ phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh rồi giữ lại một đĩa, nộp lên Bộ một đĩa được nhìn nhận khác nhau. Ông Nguyễn Hoà, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng có lẽ làm vậy là để có bản gốc, sau này có thể so sánh nếu trường nào có tiêu cực. Đoán vậy nhưng hiện nay ông Hòa chỉ cho quét bài thi và chờ chỉ thị tiếp theo của Bộ rồi mới chấm bài.

Một nhà tuyển sinh khác lại nhìn nhận điều đó như một sự nhiêu khê. “Một nơi xử lý dữ liệu là Bộ mà máy còn trục trặc nay lại 2 nơi, một nơi quét, một nơi xử lý thì không biết thế nào”, nhà tuyển sinh này phàn nàn.

Cảnh báo nguy cơ tiêu cực

Câu hỏi được đặt ra từ các nhà tuyển sinh là không biết Bộ GD-ĐT có tiên lượng được một điều nguy hiểm là máy chấm nét tô bằng bút chì dễ tạo kẽ hở cho tiêu cực thi cử hơn nhiều, đặc biệt trong hoàn cảnh như ở Việt Nam hiện nay.

Theo phân tích của một người có trách nhiệm trong công việc tuyển sinh của một trường Đại học, với nét tô bút chì, người ta có thể tẩy đi tô lại; khi Bộ công bố đáp án thì người chấm thi cũng biết câu nào đúng câu nào sai; đặc biệt trong điều kiện bài thi trắc nghiệm không cắt phách như Việt Nam đang thực hiện. Tên thí sinh, số báo danh rõ ràng, người chấm tiêu cực chỉ cần xoá đi mươi câu, tô lại mươi câu là thí sinh có thể dễ dàng vào Đại học.

Hoặc như ông Nguyễn Hoà, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích: Ô phách của thí sinh, sợ rằng, thí sinh rất có thể thi hộ theo kiểu thí sinh này có thể tô số báo danh của thí sinh kia; hoặc, thậm chí, tô số báo danh của mình để giám thị ký, sau đó, tẩy đi tô lại dễ không và lúc đó thì máy móc cũng chịu. Ông Hòa cho biết, có thể Bộ chọn phương án tô bút chì cho thí sinh là để nếu không hiểu, thí sinh dễ bề  tẩy đi, tô lại nhưng lợi bất cập hại như đã nói ở trên.

Theo ông Hòa, Bộ GD-ĐT đã bao cấp, đã “thương” học sinh nhiều quá, dễ tạo ra sự ỷ lại, không có trách nhiệm cá nhân trong cuộc sống. Thí sinh học đến lớp 12, đọc hướng dẫn làm bài cũng không hiểu, tô không đúng thì đáng trượt Đại học. Điều này còn được thể hiện ngay ở chủ trương ban đầu của Bộ GD-ĐT khi định chấm thi có lợi cho thí sinh khi có nhiều thí sinh làm sai yêu cầu của đề thi, làm tới 80 câu trong khi đề chỉ yêu cầu 70 câu. Đây phải chăng là vấn đề của quản lý?

Tại sao không mua máy chấm bút bi, bút mực của Nhật, Mỹ, Thụy Sĩ bán đầy trên thị trường mà lại mua máy chấm bút chì? Câu hỏi này chỉ có Bộ GD-ĐT trả lời được.

Mập mờ thang điểm

Một điểm nữa khiến các nhà tuyển sinh khối D khá lo lắng là cho tới giờ phút này, trường nào chấm thi môn ngoại ngữ thì cứ chấm với đáp án của Bộ  mà chưa hề biết thang điểm trong khi các môn khác đã có thang điểm kèm theo đáp án một cách sòng phẳng, công khai. Phải chăng thang điểm được công bố sau là có dụng ý để điều chỉnh điểm, điều chỉnh chất lượng một cách dễ dàng là câu hỏi đang được đặt ra trong các nhà tuyển sinh.

Cần cảnh giác khi xử lý phách

Tại Hội đồng chấm thi Đại học Ngoại thương, thày Trần Thạch Văn, Chủ nhiệm khối Chuyên Hoá (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, sáng 18/7, tại hội đồng chấm Đại học Ngoại thương có 2 trường hợp bài thi được trường sở tại yêu cầu chấm công khai cả hội đồng.

Giải thích điều này, ông Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Ngoại thương cho hay: Vì trường ông có điều kiện để tuyển thí sinh giỏi nên đã làm rất kỹ trong khâu tuyển, cụ thể là khâu làm phách. Bất kỳ bài thi nào có biểu hiện tiêu cực  đều bị đưa vào diện yêu cầu chấm chung cả hội đồng (ví dụ như số trang ở trên viết bằng số, ở dưới viết bằng chữ hoặc ngược lại; hai chữ Bài làm tô khác thường, có dấu hiệu gì khác lạ...). Hiện ở Đại học Ngoại thương có 19 bài thi nằm trong diện này (môn Hoá học: 4 bài ; Vật lý: 9 bài; Văn: 6 bài).