Chậm một bước thoát được tai ương

TP - Trước thực trạng mỗi ngày có hơn 80 người thương vong vì tai nạn giao thông, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, thuyết giảng, nếu tôn trọng luật an toàn giao thông thì sẽ không có tang tóc, chia ly; đi chậm một bước sẽ thoát được tai ương...
Nỗi đau vẫn dai dẳng với những người có người thân mất vì TNGT. Ảnh: Bảo An.

Sáng 8/11, Thiền viện Trúc lâm Thiên Trường (Nam Định, quê hương nhà Trần và Phật hoàng Trần Nhân Tông) râm ran tiếng kinh cầu của hơn 8.000 người tham gia đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) - hoạt động thường niên của Ủy Ban ATGT Quốc gia và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Không gian đông đúc mà trật tự; trật tự nhưng trên khuôn mặt mỗi người đều có niềm riêng. Chị Nguyễn Thị Vân quê Xuân Trường (Nam Định) làm giáo viên, cùng chồng lên dự lễ bật khóc khi có người hỏi về gia cảnh. Trong tiếng nấc, chỉ nghe được câu chuyện lõm bõm rằng: Hai con chị đang đi bộ gần nhà thì một chiếc xe máy tông như trời giáng. Đứa nhỏ 11 tuổi chết tại chỗ; đứa 15 tuổi bị thương nặng. “Cháu nó ra đi chưa được trăm ngày”, chị nói rồi quay đi lau nước mắt.

Cạnh chị, anh Nguyễn Văn Tường (quê xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên, Nam Định) cũng mang nỗi đau không tả xiết. Từ đầu năm đến nay, anh lần lượt mất đi 2 đứa con thơ dại (một 5 tuổi, một chưa đầy 2 tuổi). “Đứa đầu đi với mẹ bị xe tông; một đứa chạy ra quốc lộ 38 B vừa hoàn thành, xe đi nhanh cán chết. Giờ tôi phải chuyển nhà để giữ đứa còn lại”, người cha trẻ tuổi quay mặt đi, nói ngắt quãng từng lời.

Lúc này, phía Bàn thờ Phật, Ban tổ chức bắt đầu hành lễ. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, đọc những con số thống kê nhói lòng: Mỗi ngày, cả nước có khoảng 24 người bị TNGT cướp đi mạng sống; hơn 60 người bị thương tật suốt đời. Điều đó đồng nghĩa với việc có hàng trăm gia đình phải gánh chịu mất mát, đau thương do hậu quả của TNGT. Di chứng TNGT kéo dài, khiến xã hội bị tổn thương nghiêm trọng. Gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia chịu thêm gánh nặng hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục; đe dọa thành quả của tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè, đối tác.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giảng: Trong Kinh Phật, những cái chết vì tai nạn trên đường được coi là cái chết oan, chết uổng; linh hồn của họ vẫn chưa thể siêu thoát.

Vị hòa thượng cũng gửi gắm đến các giới và phật tử sự cần thiết của việc biết trân quý cuộc sống để tránh cảnh con xa cha mẹ, vợ xa chồng, anh em ly biệt. Thà chậm còn hơn gây tai nạn; chậm một bước thoát được tai ương. “Nếu tôn trọng luật pháp, pháp luật an toàn giao thông thì không phải chịu quả báo xấu, đưa đến tán thân, tang tóc, chia ly, mà sẽ bảo vệ được tính mạng cho chính mình, cho người khác và cộng đồng xã hội”, hòa thượng Thích Thanh Nhiễu giảng.

Trong khi những bậc cao tăng thuyết giảng, phía dưới, đám đông phật tử im phăng phắc. Thỉnh thoảng có những tiếng nấc nghẹn. Có những người mẹ già nấp sau lưng người đồng đạo để che đi những giọt nước mắt. 

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết, Giáo hội Phật giáo sẽ tiếp tục truyền giảng cho 40.000 tăng ni và 40 triệu tín đồ trong cả nước lái xe bằng trái tim, khối óc, bằng sự tôn trọng tính mạng của mọi người. “Thiết nghĩ, Bộ GTVT, CSGT và các ngành có liên quan cần tăng cường tuyên truyền, triển khai cụ thể từng phần việc để giảm TNGT ở mức thấp nhất”, hòa thượng Thích Thiện Nhơn nói.