‘Chăm lo đầy đủ cho người dân ở lại TPHCM là đạo lý…’

TPO - Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, người dân từ các tỉnh về TPHCM làm việc, đem sức lao động đóng góp cho thành phố phát triển nên trong tình hình dịch bệnh hiện nay, trách nhiệm của thành phố là phải chăm lo đầy đủ cho bà con bởi đây còn là vấn đề đạo lý…

Chiều 16/8, tại cuộc họp triển khai, quán triệt Kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ, giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM Lê Minh Tấn đã báo cáo về tình hình lao động - việc làm bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo ông Lê Minh Tấn, TPHCM có hơn 4,7 triệu lao động đang làm việc, trong đó lao động làm công ăn lương hơn 3,2 triệu người. Số doanh nghiệp đang hoạt động là 286.336 doanh nghiệp và gần 450.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM đã tác động rất lớn đến tình hình lao động việc làm của doanh nghiệp và người lao động trong các khu vực kinh tế.

Theo thống kê của các quận - huyện và TP Thủ Đức, số lao động chịu tác động bởi dịch COVID - 19 tạm ngừng việc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội là hơn 381.420 người và 18.464 hộ, điểm/sạp của thương nhân tại các chợ truyền thống.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM

Cụ thể: Người động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hơn 47.300 người. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 1.270 người. Lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm hơn 332.840 người. Hộ kinh doanh cá thể và thương nhân tại các chợ truyền thống hơn 18.460 hộ, điểm/sạp.

Các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao có 244.082 người đang làm việc tại 827 doanh nghiệp bị tạm ngừng việc. Có 1.412 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 285.933 lao động, trong đó có 619 doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án 3 tại chỗ (55.175 lao động ở lại doanh nghiệp). Có 793 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động với 230.758 lao động bị mất việc. Số lao động phải cách ly y tế là hơn 2.080 người.

Người dân hối hả rời TPHCM vào ngày 15/8 sau khi thành phố quyết định giãn cách thêm 1 tháng và sau đó quay lại sau khi lãnh đạo TP cam kết sẽ hỗ trợ tiền thuê trọ, lương thực thực phẩm...

Riêng Khu công nghệ cao có 34 doanh nghiệp tạm ngừng việc phải cách ly y tế hoặc trong khu vực phong tỏa với 11.241 lao động.

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, thành phố có khoảng 150.000 công nhân đang gặp khó khăn trong chi trả tiền thuê trọ. Thành phố đã phát động chương trình miễn giảm tiền thuê nhà trọ. Đến nay, TP Thủ Đức đã miễn giảm khoảng 43 tỷ đồng tiền thuê phòng trọ.

Đại diện UBND Huyện Bình Chánh cũng cho biết đã vận động 4.200 trong tổng số hơn 5.600 chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà với số tiền miễn giảm cho người lao động là khoảng 15 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương thống kê đầy đủ danh sách người dân nhập cư và đang làm việc, sinh sống tại TPHCM, không được bỏ sót trường hợp nào.

“Thành phố sẽ hỗ trợ người dân tiền thuê nhà trọ, cung cấp lương thực, thực phẩm và tiêm vắc xin phòng COVID-19. Thời gian trước, bà con đem sức lao động đóng góp cho thành phố phát triển. Trong tình hình hiện nay, trách nhiệm của thành phố là phải chăm lo đầy đủ cho bà con. Đây là vấn đề đạo lý ", ông Phong nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Theo kế hoạch của UBND TPHCM, TP đã bắt đầu đưa vào hoạt động Trung tâm An sinh TPHCM và thí điểm lập Trung tâm An sinh khác tại quận 5, 7 và quận 12, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ thứ 2 cho người lao động tự do, hỗ trợ người nghèo…

TPHCM huy động mọi nguồn lục chuẩn bị 1 triệu túi cứu tế cho người dân đang gặp khó khăn do dịch, hỗ trợ chi phí thuê trọ, tổ chức tiêm vắc xin để người dân yên tâm ở lại nơi cư trú trong thời gian giãn cách xã hội.