Trước việc báo chí những ngày qua đã phản ánh việc thi công tại dự án cầu vượt thép Chùa Bộc chậm trễ và đã 2 lần vỡ tiến độ (vào tháng 6, tháng 12 năm 2022), chiều 1/11 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (Ban Giao thông) Hà Nội (chủ đầu tư) đã trao đổi thông tin về dự án.
Chủ trì buổi thông tin, ông Phạm Văn Duân, Phó Trưởng Ban Giao thông Hà Nội cho biết, đơn vị được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ là chủ đầu tư thực hiện dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa với thời gian 270 ngày. Các nhà thầu thi công dự án bao gồm: Cty CP tập đoàn Thành Long (thi công kết cấu dầm thép phần trên); Tổng Cty công trình giao thông 1 - Cienco1 (thi công kết cấu phần dưới: cọc khoan nhồi, đổ trụ cầu); Cty CP xây dựng kỹ thuật Việt Hưng (thi công xén hè mở rộng đường phố Chùa Bộc, hệ thống cây xanh chiếu sáng).
Dự án được khởi công tháng ngày 29/10/2021, theo tiến độ trên tháng 6/2022 dự án sẽ hoàn thành. Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án, tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài; biến động của giá vật liệu xây dựng cũng như hiện trạng công trình ngầm nổi phía đường Phạm Ngọc Thạch… dẫn đến tiến độ dự án đã lùi 2 lần (tháng 6/2022; tháng 12/2022). Do vậy, đến nay chủ đầu tư đã báo cáo thành phố cho phép hoàn thành dự án vào quý I/2023 (lùi hơn 6 tháng).
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về khối lượng công việc đã thi công ở hiện tại, ông Bùi Mạnh Cường, Trưởng Phòng Giám sát 1, Ban Giao thông (quản lý dự án) cho biết, phạm vi xây dựng cầu phía đường Phạm Ngọc Thạch đã cơ bản hoàn thành kết cấu phần dưới từ tháng 10/2022; phía đường Chùa Bộc đã khoan xong 14/14 cọc khoan nhồi và đang triển khai thi công mố trụ.
Với việc thi công kết cấu dầm phía trên phố Phạm Ngọc Thạch, hiện mặt bằng đã có đủ điều kiện thi công, hiện nay nhà thầu đang thực hiện thủ tục xin cấp phép vận chuyển dầm để triển khai thực hiện.
Theo ông Cường, khó khăn của dự án hiện nay là công tác vận chuyển dầm thép đã được đúc, sản xuất từ các xưởng của nhà thầu Cty CP Thành Long từ 2 địa điểm là Hải Phòng và Hưng Yên về công trường thi công. Quãng đường vận chuyển phải đi qua địa bàn các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên nên gặp khó khăn trong công tác phối hợp chính quyền địa phương khi vận chuyển trên đường. Mặt khác trong quá trình vận chuyển các cấu kiện dầm, xà mũ đi qua hai trạm thu phí trên Quốc lộ 5 cũ kích thước bề ngang của kết cấu dầm thép lớn (6,5m) nên không thể di chuyển qua trạm do chỉ có kích thước làn xe quá khổ lớn nhất là 6m đi qua.
Với việc thi công tại công trường dự án hiện nay, ông Cường cho biết, dự án đã thi công xong toàn bộ phần cọc khoan nhồi và 6 mố trụ phía Phạm Ngọc Thạch. Dự kiến đến 30/11/2022 dự án hoàn thành kết cấu phần dưới phía cầu vượt phía Chùa Bộc, đầu tháng 11/2022 sau khi được cấp phép cho xe vận chuyển dầm, nhà thầu sẽ tiến hành lao lắp dầm thép phía Phạm Ngọc Thạch và sẽ thông xe cầu trong quý I/2023.
Với kết cấu thép, có hình dáng chữ C đi hình vòng cung để vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) cầu vượt Chùa Bộc đã được đại diện UBND thành phố Hà Nội khởi công ngày 29/10/2021 với tổng mức đầu tư hơn 147 tỷ đồng (tiền ngân sách). Theo tiến độ, cầu vượt Chùa Bộc sẽ thông xe vào 6/2022; nay điều chỉnh vào quý I/2023. Cầu có cấu nhịp cầu dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép. Toàn bộ cầu sử dụng 35 phiến dầm thép với chiều dài 11 mét, rộng 6,5 mét, cao 1,2m. Tổng chiều dài cầu 320,4m (tính đến đuôi mố). Bề rộng cầu các đoạn thông thường 9,0m, đoạn đi cong 11,0m.