Cầu may, xem bói đầu năm

TP - Đầu năm, bạn trẻ thành phố đổ xô đến đền chùa... làm lễ cầu may, xin quẻ, tìm thầy bói xem vận, hạn. Năm nay giới trẻ chọn điểm đến gần hơn vì kinh phí eo hẹp.
Đi lễ cầu may

> Nô nức đi lễ cầu may đầu năm mới

Đi lễ cầu may.
 

Tại chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), càng về trưa (30 - 1) càng đông, nhiều bạn phải đứng đợi bên ngoài. Thời tiết không thuận vẫn không ngăn được từng đoàn người tiến vào chùa. Chùa Hà vốn được truyền miệng rằng cầu duyên rất thiêng nên đây là điểm đến của nhiều đôi trẻ...

Cặp đôi Trọng Toàn (SV mới ra trường) và Thu Hiền (SV ĐH Công nghiệp Hà Nội), cho biết: “Đây là lần thứ hai, chúng mình đến chùa Hà cầu duyên đầu xuân. Nghe mọi người nói ngôi chùa này cầu duyên rất thiêng nên để cầu cho tình yêu bền vững”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đến chùa Hà chỉ để cầu duyên. “Bọn mình đến để cầu may, sức khỏe, tiền tài…và hướng tới sự thanh tịnh”, anh Hạnh (Cty CP Tư vấn & Xây lắp Thăng Long) cho hay. Năm nay Cty của anh tổ chức đi lễ chùa Hà ngay gần cơ quan cho đỡ tốn kém.

Ngồi chờ bạn ngoài sân chùa, Minh Thùy (SV Học viện Tư pháp) cho biết: “Hôm nay được nghỉ học sớm nên mình với bà chị rủ nhau đi chùa lấy may đầu năm”. Thùy bật mí bà chị cùng quê năm nay đã 33 tuổi rồi mà chưa lấy được chồng nên đi cầu duyên. Ở các chùa Quán Sứ, Phủ Tây Hồ…du khách thập phương cũng đổ về làm lễ nườm nượp.

Bói ít, lừa nhiều

Từ sáng mồng 1 Tết, nhiều thầy bói đã mở cửa đón khách. Đi đến nhiều điểm xem bói, có thể thấy nét mặt khá hồi hộp, căng thẳng của những tín đồ trẻ.

Sáng mồng 8 Tết, nhà cô Hồng ở sâu trong ngõ 54, phố Tam Trinh (Hà Nội) chật kín người đến xem, chủ yếu là nữ. Khách đến xem bói phải gửi xe cách nhà cả nửa cây số rồi để đi bộ vào nhà. Trong ngôi nhà 3 tầng, cô Hồng dành hẳn tầng 3 để xem bói.

Nhiều người phải ngồi đợi cả hành lang, trước cổng nhà. Nguyệt, nhân viên VTC, chia sẻ: “Tranh thủ cơ quan đầu năm ít việc đến xem thử”. Nguyệt cùng hơn chục bạn trẻ khác ngán ngẩm vì phải chờ chưa biết bao giờ mới đến lượt.

Cô Hồng xem bói dựa vào lá bài và chỉ tay. Sau khi thắp một lượt hương và lầm rầm khấn vái, khách đến xem đặt tiền lễ vào đĩa để lên bàn thờ, hầu hết người đến xem đều đặt 50 đến 100 nghìn đồng/lượt.

Chị Nhung (Hào Nam, Hà Nội) làm nhiều lễ nhất ngày đầu năm bao gồm trả nợ tiền quan, lễ cầu an, giải hạn và cả lễ cắt tiền duyên cho chồng. Lôi chiếc áo sơ mi dài tay của chồng được xếp gọn ghẽ trong túi từ trước ra cho cô làm lễ, Nhung thì thầm: “Kết hôn đã 3 năm nay nhưng có đứa cứ đeo bám. Đi xem, thầy bảo nó là tiền duyên kiếp trước của chồng nên phải cắt”. Tổng số tiền mà Nhung phải chi cho cô Hồng là hơn 3 triệu đồng, nhưng theo Nhung vẫn còn rẻ hơn nhiều nơi khác.

Nghe bạn chỉ địa điểm thầy hay ở mãi gần Bến xe Giáp Bát, Nguyễn Thanh Hiên (26 tuổi - Hà Nội) và vài người bạn từng lặn lội tìm đến xem. “Sau khi nghe thầy phán, 3 đứa mặt xanh lè vì đứa nào cũng hạn nặng, có duyên âm cần phải cắt hoặc lập đàn cầu hàng ngày may ra mới hết”, Hiên kể.

Tuy nhiên, sau khi phán vận hạn thầy liền xin mỗi người 400 nghìn đồng. Muốn lập đàn cầu hàng tháng mỗi người chi khoảng 6 triệu đồng. Tròn mắt kêu đắt, thầy tỉnh bơ: “Các cô hỏi chuyện cho cả gia đình nên phải 400 nghìn” rồi gửi danh thiếp ghi những 3 số điện thoại để tiện liên hệ.

Chùa Bia Bà (Hà Đông - Hà Nội) nổi tiếng linh thiêng nên cũng có nhiều thầy xem bói nổi lên. Người bán hàng trước cổng chùa chỉ ba điểm có thể xem nhưng khuyên nên đi xem thầy Thiện nhà cạnh gốc cây đa. Nhà thầy Thiện là một căn phòng trọ nhỏ với vài đồ đạc đơn sơ. Có khoảng 5 cô gái trẻ đang chăm chú nghe thầy phán số mệnh qua từng lá bài.

“Trước nhà có một con sông chảy qua đúng không? Nền đất nhà có vong nên gia đình làm ăn khó, bố mẹ hay cãi nhau lắm đấy”. Nghe thầy phán, bạn nữ mặt mày tái mét nhưng băn khoăn: “Trước nhà không có con sông nào cả”.

Thầy Thiện phán tiếp: “Có thể lấp lâu rồi”. Nói đoạn, thầy chốt hạ: “Năm nay làm ăn tốt, tháng 8 lấy được chồng. Chồng hiền lành, gia đình chồng gia thế lắm”. Bạn nữ mặt tươi tỉnh trở lại, ấn thêm tờ 50 nghìn đồng vào tay thầy.

Theo Báo giấy