Mà “ủng hộ” ở đây nghĩa là gì? Là đồng thuận với phương án nhân sự của Bộ Tài chính đưa ra, cho dù các phương án nhân sự này không đáp ứng các tiêu chuẩn theo qui định. Đại diện Thành ủy TPHCM cũng nói cơ quan này chỉ căn cứ theo các qui định của Trung ương và chính Bộ Tài chính. Chỉ kể sơ sơ như thế cũng thấy trách nhiệm trong vụ “treo” ghế nóng Cục trưởng Hải quan TPHCM hoàn toàn thuộc về ngành tài chính - hải quan.
Chuyện nội bộ của Tổng cục Hải quan hay Cục Hải quan TPHCM sẽ chẳng ai quan tâm, nếu chuyện đó không ảnh hưởng gì đến tốc độ tăng trưởng, đến công việc làm ăn của hàng trăm ngàn doanh nghiệp.
Thật khó chấp nhận được tại thành phố đầu tàu kinh tế, có vị trí và vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế đất nước mà hơn hai năm qua, cơ quan chuyên lo chuyện kiểm soát hàng hóa, xuất nhập khẩu, thuế má… liên quan đến rất nhiều cơ sở kinh tế lại không thể chọn được người đứng đầu vì những mâu thuẫn nội bộ của ngành hải quan.
Có phải vì vị trí Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM là rất “béo bở” trong mắt nhiều người nên cứ ai được quy hoạch đều có tên trong các đơn tố cáo được tung ra đúng thời điểm nhạy cảm? Tuy vậy, việc hoãn đi hoãn lại việc bổ nhiệm này của Tổng cục Hải quan cũng như Bộ Tài chính cũng cho thấy các đơn tố cáo kia không phải là không có chút căn cứ nào?
Cũng chẳng cần nói đâu xa, trong hơn hai năm qua, liên quan đến Cục Hải quan TPHCM là hàng loạt trường hợp sai phạm, một số cán bộ đã bị khởi tố, có người đã lĩnh án, có người vẫn còn đang bị tạm giam chờ điều tra. Đây chắc chắn là một phần hậu quả từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cục Hải quan TPHCM khi thiếu đi một vị lãnh đạo đủ tâm và tầm.
Nhưng điều cần phải nhấn mạnh là để một cơ quan quan trọng gặp sự cố nhân sự như thế chỉ vì những mâu thuẫn nội bộ, dường như các cơ quan có trách nhiệm đã chưa đặt quyền lợi của doanh nghiệp, của người dân lên trên.
Câu hỏi đặt ra, vì sao hơn hai năm qua, với vài ba nhân vật “theo qui hoạch” liên tục có vấn đề và bị chính địa phương phản đối vẫn cứ được đưa vào danh sách đề cử. Người tài hiếm vậy sao?