CASA - máy bay chuyên tuần tra biển

Với tầm bay xa, trang bị hiện đại, máy bay tuần thám CASA-212-400 thích hợp với các nhiệm vụ tuần tra trên biển.
Một chiếc CASA-212 của Cảnh sát biển Việt Nam.

CASA-212 là máy bay vận tải tầm trung được công ty EADS-CASA (thuộc Airbus) của Tây Ban Nha phát triển cho cả mục đích dân sự và quân sự. Việc thiết kế loại phi cơ này được bắt đầu từ cuối những năm 1960 nhằm thay thế các máy bay vận tải cũ hơn trong không quân Tây Ban Nha, theo Aviations militaires.

Nguyên mẫu CASA-212 đầu tiên cất cánh năm 1971. Trong hơn 40 năm, đã có 477 chiếc được xuất xưởng cho 92 nhà khai thác. Trong số đó, khoảng 290 chiếc vẫn đang hoạt động. Những nước đang sử dụng nhiều máy bay loại này nhất là Indonesia (70 chiếc), Mỹ (37 chiếc) và Tây Ban Nha (26 chiếc).

Máy bay loại này đã trải qua ba lần cải tiến trong đó CASA-212-400 mà Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng là phiên bản mới nhất. Một trong những điểm nổi bật của nó là khả năng bay liên tục 8 tiếng ở tầm thấp với tốc độ hành trình 300 km/h cho các nhiệm vụ tuần tra.

Máy bay dài 16,154 m, cao 6,6 m và có sải cánh 20,257 m, khoang rộng với tổng diện tích lên tới 22 m2 gồm 25 ghế ngồi bên trong để đảm bảo các chức năng vận chuyển quân và nhảy dù phục vụ hoạt động tuần tra. Tải trọng tối đa của máy bay đạt 2.950 kg. Các phiên bản chuyên dùng cho vận tải còn được trang bị tời kéo, hệ thống băng chuyền, lưới…

Bên trong khoang lái một chiếc CASA-212. Ảnh: Aviations militaires

Động cơ máy bay được nâng cấp với hai tuốc bin cánh quạt TPE331-12JR-701C. Máy bay có thể đạt tốc độ tối đa 360 km/h, trần bay hành trình 3.300 m, có khả năng mang theo 1.600 kg nhiên liệu và tăng lên 2.400 kg với các thùng dầu phụ.

Ngoài ra, độ cơ động của CASA-212-400 còn được thể hiện khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn (khoảng 395 m). Khối lượng cất cánh tối đa của máy bay là 8,1 tấn và tầm hoạt động lên tới 1.800 km.

Khoang lái dành cho hai phi công với thiết bị bay điện tử (EFIS) cùng 4 màn hình CRT, hệ thống dữ liệu động cơ tích hợp (IEDS), hai màn hình tinh thể lỏng màu và hệ thống chỉ dẫn cảnh báo. Hệ thống điện tử hàng không được bố trí lại ở phần mũi nhằm tăng khả năng hoạt động, trong đó có các thành phần như thiết bị đo khoảng cách, thiết bị hỗ trợ dẫn đường tìm hướng tự động, thiết bị đo độ cao vô tuyến, hệ thống điều khiển bay tự động, hệ thống quản lý bay định vị GPS, thiết bị liên lạc vô tuyến VHF.

CASA-212400 được đánh giá rất thích hợp cho nhiệm vụ tuần tra biển với radar có tầm quan sát 360 độ được lắp đặt ở bụng máy bay. Cải tiến này giúp khắc phục những hạn chế của radar lắp ở phía mũi vốn chỉ có tầm quan sát 270 độ.

Để phục vụ tuần thám, máy bay được trang bị hệ thống truyền dữ liệu vệ tinh, máy ảnh với thiết bị ghi thời gian và tọa độ, hệ thống dẫn đường bay tự động được tích hợp các mẫu tìm kiếm có sẵn, thiết bị quan sát quang điện tử, camera truyền hình, hồng ngoại giúp tăng khả năng quan sát ngày và đêm. Ngoài ra, máy bay còn được trang bị các thiết bị tìm kiếm cứu nạn khác.

Các chuyên gia của Aviations militaires cho rằng, CASA 212-400 còn được thiết kế để có thể mang theo tên lửa chống hạm Sea Skua, ngư lôi, súng máy và rocket trên các giá treo dưới cánh với khối lượng tối đa 250 kg mỗi bên.

Kể từ lần xuất hiện đầu tiên vào năm 1997 tại triển lãm Hàng không Paris, CASA-212-400 đã được hàng loạt nước trên thế giới đặt mua, trong đó có các quốc gia sở hữu ngành công nghiệp hàng không tiên tiến như Hàn Quốc, Brazil hay Australia. Đa số các quốc gia đặt mua CASA để trang bị cho không quân hoặc các lực lượng thực thi nhiệm vụ tuần tra trên biển.

Ngày 16/6, trên đường tìm kiếm phi công Trần Quang Khải mất tích trên chiếc Su-30, máy bay tuần thám số hiệu 8983 chở theo 9 người, lái chính là đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, Quân chủng phòng không không quân, đã mất tích trên biển. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết chiếc CASA đã hạ độ cao khi gặp thời tiết xấu và gặp nạn.

Theo Theo VnExpress