Cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu: Lo ngại lạm dụng
“Nhà văn Đỗ Chu đã từng viết, một đất nước có quá nhiều nhà thơ thì thành quốc nạn. Hiện tại, Việt Nam đang rơi vào tình trạng quốc nạn thi ca và quốc nạn biểu diễn âm nhạc”.
NSƯT Lê Chức bức xúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về cấp thẻ hành nghề sáng 3.6.
Thủ tục gọn nhẹ hơn
Hội nghị do Bộ VHTTDL tổ chức với 3 đầu cầu là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, nhằm lấy ý kiến góp ý đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Theo đó, đề án đưa ra việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ với 3 tiêu chí: Có tư cách đạo đức để xuất hiện trước công chúng; Có năng lực nghệ thuật để trình diễn trước công chúng; Chưa từng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.
Cũng theo đề cương dự án, thì mục đích của cấp chứng chỉ hành nghề để góp phần nâng cao nhận thức, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp của các ca sĩ; tạo điều kiện để nghệ sĩ đích thực cống hiến cho nghệ thuật, cho công chúng; có tiêu chí rõ ràng, cụ thể, nghệ sĩ tự đăng ký với thủ tục nhanh gọn, tập trung cho công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Dự kiến, đối tượng áp dụng với cá nhân là nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trước mắt sẽ áp dụng cho ca sĩ và người mẫu, đồng thời có sự đặc cách dành cho những đối tượng là NSND và NSƯT. Ngoài hai đối tượng đặc cách như trên thì đối với các ca sĩ được đào tạo tại trường nghệ thuật được phân chia rõ ràng giữa công lập và ngoài công lập đều được cấp chứng chỉ hành nghề nếu có nhu cầu.
Ông Hồ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, việc tổ chức hội nghị bàn về đề án này mới chỉ đưa ra “cái sườn”. Để hiện thực hóa chủ trương cấp thẻ sẽ cần tiếp thu nhiều ý kiến và hoàn chỉnh trong những bước tiếp theo. Dự kiến từ 1.1.2014, Bộ sẽ triển khai việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ.
Cũng theo đề cương dự án, sẽ có hai loại chứng chỉ hành nghề, một loại cho các nghệ sĩ, người mẫu được đào tạo tại các trường nghệ thuật và một chứng chỉ hành nghề cấp cho các nghệ sĩ, người mẫu còn lại. Một sự khác biệt nữa với việc cấp chứng chỉ hành nghề ca sĩ giai đoạn 1999-2002 trước đây là thủ tục cấp lần này sẽ đơn giản gọn nhẹ, không bắt buộc phải qua lớp bồi dưỡng, không qua hội đồng xét duyệt, tập trung cho khâu bồi dưỡng, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Văn Long - Trưởng phòng Quyền tác giả, Cục Bản quyền tác giả cho biết: “Chúng tôi rất hoan nghênh Cục Nghệ thuật biểu diễn đã xây dựng đề án này. Thứ nhất, đây là sự cần thiết rất khách quan, để khắc phục những khiếm khuyết trong những năm qua trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; thứ hai là nâng cao chất lượng nghệ thuật biểu diễn của chúng ta trên các lĩnh vực; thứ 3 là đáp ứng yêu cầu hội nhập”.
Tràn lan nghệ sĩ
Tại hội nghị, NSƯT Lê Chức- Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN phát biểu rất nhiều điều bức xúc. Theo ông, những người làm nghệ thuật phải có kiến thức cao thì mới truyền tải được mỹ cảm đến công chúng. Vậy mà có một bộ phận không nhỏ những nghệ sĩ này kiến thức của họ thấp hơn công chúng, nên họ đã gây ra những phản cảm trong biểu diễn
“Tôi đề nghị nên cấp chứng chỉ hành nghề đúng tiêu chí, đúng tiêu chuẩn và chỉ nên cấp một loại chứng chỉ. Và tôi cũng đồng ý với ý kiến của anh Tô Văn Long, phải xác định rõ, cụ thể tiêu chí của chữ “nghệ sĩ”, chứ chữ “nghệ sĩ” trong dự án này được hiểu quá rộng và ngày nay chữ “nghệ sĩ” đang bị lạm dụng. Không phải ai bước lên sân khấu cũng thành nghệ sĩ.
Ngay chúng tôi là những người làm chuyên nghiệp cũng phải chia ra. Học sinh phải học rồi về nhà hát thực tập và thực tập xong mới gọi là diễn viên. Đến khi nào họ có cống hiến sáng tạo thì mới gọi là nghệ sĩ”- NSƯT Lê Chức chia sẻ.
Ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP.HCM cho biết, đặc điểm ở thành phố là nghệ sĩ tự do rất nhiều, gấp 2 - 3 lần nghệ sĩ công lập nên chắc chắn sẽ có nhiều phức tạp. Ông đề xuất nên nghĩ kỹ hơn về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, ca sĩ, người mẫu và nên tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện mạnh Nghị định 65, tăng cường xử phạt và chế tài kèm theo mạnh mẽ, nên liên thông giữa các bộ và các sở...
“Quan điểm của tôi là chúng ta có hội đồng thẩm định thì hội đồng này phải chịu trách nhiệm đúng sai về nội dung, chất lượng cao hay thấp của chương trình. Nếu chương trình đó chất lượng thấp, có ca sĩ ca không đủ chất lượng, chúng ta có thẩm quyền dừng ngay, cắt bỏ ngay ca sĩ và tiết mục đó ra khỏi chương trình. Và như thế chúng ta sẽ quản lý được nội dung, sản phẩm chất lượng tốt khi đưa ra với công chúng”- ông Nam nói.
Trong khi đại diện TP.HCM còn e dè với việc cấp thẻ thì đại diện Sở VHTTDL Đà Nẵng và Hà Nội lại ủng hộ chủ trương này. Ông Trần Quốc Chiêm - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi đồng ý với chủ trương cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, ca sĩ, người mẫu và nên đặc cách đối với các NSND- NSƯT.
Tuy nhiên về việc phân cấp quản lý cho các sở tại địa bàn thì theo tôi là hơi khó, bởi khi không có hội đồng nghệ thuật thẩm định thì sẽ rất khó để duyệt chứng chỉ hành nghề. Một điều nữa, Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra kế hoạch sẽ thực hiện trong tháng 10 đến tháng 12 năm nay thì tôi cho là khó thực hiện. Đồng thời tôi cũng thấy cần phải thu lệ phí khi cấp chứng chỉ hành nghề, không thể cấp miễn phí".
Theo Dân Việt