Cấp bách chuyển hướng thị trường

TP - Trước câu chuyện nông dân gia tăng sản xuất thì nông sản lại ùn ứ, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, không nên mãi phụ thuộc vào một thị trường…

Là DN lớn chuyên xuất khẩu nông sản trong đó có xuất sang Trung Quốc, nhưng thời gian gần đây, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã ngưng đưa hàng sang thị trường này bằng đường bộ, đồng thời chuyển sang xuất chính ngạch bằng đường biển. Bên cạnh đó, công ty xuất hàng sang các thị trường khác như châu Á, Trung Đông, Mỹ.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết: “Ngay khi cửa khẩu tắc, khâu thu mua ở các vùng nông sản cũng chững lại. Một số loại trái cây bị ảnh hưởng nặng nhất do ùn tắc dưa hấu, xoài, thanh long”.

Thanh long ruột đỏ giá bèo bán đầy đường TPHCM. Ảnh: U.P

Theo bà Vy, về lâu dài cần đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc. Đồng thời, cần một kênh thông tin chính thống cập nhật nhanh diễn biến thị trường, sức tiêu thụ cũng như cảnh báo về rủi ro, biện pháp xử lý cho các đơn vị xuất khẩu, nông dân và cơ quan quản lý nhà nước. DN có thể căn cứ vào đó để chủ động trong việc thu mua, nông dân chủ động trong sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More cho rằng, từ nhiều năm nay, tình trạng nông sản ùn ứ đã diễn ra rất nhiều lần. “Do đó, DN xuất khẩu không nên chỉ tập trung bán hàng ở một nơi mà phải đa dạng thị trường, tiến tới chế biến sâu, sấy khô… thay vì trồng và xuất hàng tươi như hiện nay. Theo đó, vừa nâng cao được giá trị nông sản, vừa đảm bảo được khâu bảo quản, đi được nhiều thị trường xa hơn như châu Âu, Mỹ. Ngoài tạo ra sản phẩm khác biệt, chúng ta cũng cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký như EVFTA, RCEP… để xuất khẩu nông sản”, ông Luận nói.

Theo Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, một trong những điểm yếu của Việt Nam là chế biến nông sản. Khi bán không hết nông sản tươi, ta có thể chuyển sang chế biến rau củ quả sấy, mứt, rượu vang... từ các loại trái cây. Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến. Muốn đẩy mạnh chế biến, Nhà nước cần phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, mở rộng diện tích canh tác vì lâu nay, nông dân trồng trọt riêng lẻ, diện tích nhỏ. Bộ Công Thương cần đại diện kết nối cung cầu giữa DN với hợp tác xã và Nhà nước tìm đầu ra cho nông sản, đồng thời đẩy mạnh khuyến khích “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, trong đó có cả nông sản. “Nói gì thì nói, mấu chốt cơ bản là người sản xuất, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy. Họ cần làm tốt thương hiệu, xúc tiến vào sâu thị trường nội địa, có mã vùng, mã vạch, xuất xứ đầy đủ...”, bà Mai khẳng định.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM Phạm Ngọc Hưng cho rằng, Nhà nước cần có một chính sách xuất khẩu rõ ràng với Trung Quốc và Bộ Công Thương đóng vai trò quan trọng. Không thể để tình trạng xuất khẩu nông sản manh mún như lâu nay. “Phải ký kết hợp đồng, xuất khẩu đàng hoàng chính ngạch với Trung Quốc, không nên xuất khẩu tiểu ngạch. Hơn nữa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương cần phối hợp định hướng rõ nông dân nên trồng cây gì, sản lượng bao nhiêu, xuất khẩu vào thị trường nào… để tránh tình trạng bà con đổ xô trồng một loại cây với sản lượng quá nhiều như thanh long, trong khi hiện nay Trung Quốc cũng trồng thanh long”, ông Hưng nhấn mạnh.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, phương án tối ưu nhất là chuyển hướng và đa dạng hóa xuất sang các thị trường khác, vươn tới những thị trường nhiều tiềm năng như Mỹ hay châu Âu. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang châu Âu đạt mức 3,2-3,5 tỷ USD nhưng mặt hàng rau quả chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD, chưa đầy 10%.