Sáng 23-2, đường Trường Chinh đoạn từ Ngã tư Sở đến Lê Trọng Tấn ùn ứ cục bộ. Tuy nhiên thay vì tổ chức giao thông, giải ùn tắc thì CSGT tại chốt đóng ở ngã ba Trường Chinh - Lê Trọng Tấn chỉ chú trọng bắt và xử lý các phương tiện vi phạm.
Không những thế, một, hai CSGT làm nhiệm vụ tại đây còn dựng xe máy sau một gốc cây trên vỉa hè, cách chốt trực khoảng 30m về phía đường Trường Trinh - Ngã tư Sở để xử lý phương tiện vi phạm.
Tương tự, tại hầm Kim Liên ùn tắc nghiêm trọng, nhiều phương tiện xe máy, ô tô trong đó có cả xe của thanh tra giao thông đi từ hướng Xã Đàn vào Đại Cồ Việt khi thấy hầm tắc đã thản nhiên quay đầu để tìm lối thoát, khiến giao thông càng hỗn loạn. Tuy nhiên, một số CSGT làm nhiệm vụ tại nút Giải Phóng - Đại Cồ Việt phía trên chỉ đứng tại chỗ xử lý người vi phạm.
Đến xế trưa, mật độ phương tiện tại nhiều nút giao thông đã giảm, tuy nhiên tại chốt giao thông Trường Chinh - Lê Trọng Tấn vẫn duy trì 2 CSGT. Chỉ nửa giờ quan sát, phóng viên ghi nhận gần 10 trường hợp vi phạm bị cảnh sát tạm dừng phương tiện do lỗi rẽ phải không bật xi nhan.
“Trưa qua, hầu hết các phương tiện bị xử lý tại nút giao thông này đều ở cuối ngã rẽ lao ra, nếu cảnh sát đứng ở đầu nút thì chắc chắn các phương tiện vi phạm ít hơn, và những người bị xử lý cũng cảm thấy thoải mái”, chị Trịnh Thị Anh, người dân thường xuyên tham gia giao thông tại nút Trường Chinh - Lê Trọng Tấn nói.
Theo phản ánh của người dân những ngày qua, tình trạng CSGT chỉ chú trọng xử phạt và ít điều tiết, hướng dẫn giao thông cũng diễn ra ở nhiều chốt giao thông tại Hà Nội, như Trần Duy Hưng - Phạm Hùng - đại lộ Thăng Long, Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học...
Phải rình mới bắt được phương tiện vi phạm (?)
Tại nút giao thông Trần Hưng Đạo - Bà Triệu trưa 23-2, có tới 4 CSGT và một xe chuyên dụng làm công tác xử lý vi phạm. Mặc dù chốt này có ki ốt, bục đứng làm nhiệm vụ, nhưng ki ốt thì dành cho một CSGT xử phạt còn bục và ô che nắng bỏ không.
Cách đó 20 đến 30m về phía đường Bà Triệu - Vincom, ba CSGT còn lại đứng cạnh một gốc cây to để chờ bắt phương tiện vi phạm. “Trong khi nhiều tuyến đường, nút giao thông đang cần lực lượng để điều tiết, chống ùn tắc, thì chỉ một nút trong nội thành giờ thấp điểm mà có tới 4 người làm nhiệm vụ thì lãng phí quá”, anh Nguyễn Minh Tuân, một người dân sống trên đường Bà Triệu nói.
Lý giải cho việc xử phạt nhiều hơn hướng dẫn giao thông, thượng úy V.T.N đội CSGT số 3, Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ tại nút giao thông Trường Chinh - Lê Trọng Tấn trưa qua cho rằng, quy định của ngành là ngoài hướng dẫn, CSGT còn có nhiệm vụ xử lý vi phạm.
“Làm nhiệm vụ mà không bắt người vượt đèn đỏ thì chúng tôi bắt cái gì”, thượng úy N nói. Về vị trí đứng làm nhiệm vụ, thượng úy N cho hay, vào giờ cao điểm, tại chốt Trường Chinh không một chiến sỹ nào đứng ở lề đường, tất cả phải đổ ra các ngã ba, ngã tư làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, để bắt được người vượt đèn đỏ thì phải rình, còn đứng lù lù ra đó thì ai dám vượt”.
Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an) cho rằng, quy định của ngành là trong lúc làm nhiệm vụ tất cả CSGT phải đứng ở vị trí công khai. Khi lập chốt kiểm soát cố định trên đường phải đặt biển báo hiệu ở hai phía, ban đêm phải có đèn chiếu sáng để đảm bảo việc kiểm soát, xử lý một cách công khai, minh bạch. Khi dừng phương tiện, cán bộ CSGT phải tuân thủ đầy đủ qui trình kiểm tra giấy tờ xe (đăng ký xe), người lái xe (bằng lái)...