Cảnh ngổn ngang tại công trường dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13
TPO - Dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 bị gián đoạn vì gặp khó trong việc di dời lưới điện. Trong khi ngành chức năng đang loay hoay tìm giải pháp, người dân sống bên đường chịu ảnh hưởng vì công trình thi công dang dở.
Tháng 4/2022, Bình Dương khởi công dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, dài 12,7km với mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Quốc lộ 13 được mở rộng từ 6 làn lên 8 làn xe, từ đoạn giáp ranh TPHCM (phường Vĩnh Phú, TP Thuận An) đến đường Lê Hồng Phong (phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một). Việc đền bù giải tỏa mặt bằng, thi công xây dựng được thực hiện ở chiều từ TPHCM về Bình Dương. Dự án có 552 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó nhiều nhất là thành phố Thuận An với 470 hộ, 58 tổ chức, còn lại ở thành phố Thủ Dầu Một.
Dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, sau hơn 1 năm triển khai đến nay bị gián đoạn, đang phải tạm ngưng thi công do vướng trong di dời hạ tầng kỹ thuật mạng lưới điện, các bên liên quan chưa thống nhất được kinh phí di dời. Đến nay, công trình đã thi công đạt 31% khối lượng.
Phía Công ty Điện lực tỉnh Bình Dương cho biết, về di dời lưới điện, đơn vị này đã tích cực phối hợp để rà soát cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đối với lưới điện hiện hữu thuộc phạm vi dự án di dời lưới điện nói chung và quốc lộ 13 nói riêng.
Điện lực Bình Dương cho hay, đã thực hiện hoàn tất lập phương án kỹ thuật và dự toán di dời lưới điện 22kV thuộc phạm vi dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 gửi đến cơ quan chức năng liên quan.
Tại cuộc họp ngày 26/7/2023 về thẩm định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giải phóng mặt bằng quốc lộ 13 đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương chủ trì, các bên vẫn chưa có sự thống nhất về trách nhiệm bố trí nguồn kinh phí thực hiện di dời.
Bình Dương thực hiện theo phương án, giải tỏa mặt bằng đến đâu thi công đến đó. Việc giải phóng mặt bằng và thi công kéo dài cũng đang gây bất tiện cho người dân ở bên đường khi trước nhà là hố sâu.
Đại diện Công ty Điện lực Bình Dương cho biết, tại Nghị định số 10 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, chi phí di dời, hoàn trả cho phần hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng phục vụ giải phóng mặt bằng; trong đó, có chi phí di dời lưới điện nằm trong chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư thuộc tổng mức đầu tư của dự án. Các chi phí này được xác định trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với dự án đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định của pháp luật, UBND tỉnh Bình Dương căn cứ theo quyết định phê duyệt dự án, bố trí vốn đầu tư công để thực hiện di dời lưới điện tồn tại trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phúc đáp UBND tỉnh Bình Dương về di dời mạng lưới điện để xây dựng mở rộng quốc lộ 13 cũng đề nghị sử dụng vốn đầu tư công thì chi phí di dời lưới điện đã bao gồm trong chi phí giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư dự án.
Công ty Điện lực Bình Dương đã gửi báo cáo kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các sở, ngành sớm tham mưu về chủ trương thực hiện di dời lưới điện bố trí vốn ngân sách nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Điện lực Bình Dương sớm hoàn thiện phương án di dời lưới điện 22kV còn có đoạn di dời trụ 110kV và xử lý giao chéo đường dây 110kV Thuận An-Gò Đậu đoạn nối với quốc lộ 13.
Mở rộng một bên quốc lộ 13 hướng từ TPHCM đi Bình Dương