Cánh đồng “vàng” trên đất cù lao phèn mặn

TP - Anh Nguyễn Minh Triều, 33 tuổi, Bí thư Chi đoàn ấp Long Hưng 2, xã Hòa Minh (Châu Thành, Trà Vinh) đã biến mảnh đất phèn mặn quê mình thành nơi sản xuất hoa màu, giúp nhiều thanh niên có việc làm ổn định và thoát nghèo.
Anh Triều bên ruộng cà chua của mình. Ảnh: Hòa Hội

Từ cù lao phèn mặn thành cánh đồng trăm triệu

Bí thư huyện Đoàn Châu Thành Ngô Hồng Thanh cho biết, ở Cù lao Hòa Minh quanh năm đất bị nhiễm phèn, mặn. Người dân chủ yếu là nuôi tôm quảng canh, nuôi bò, trồng dừa thu nhập bấp bênh nên thanh niên đa phần đi làm thuê xa. Tuy nhiên, sự đổi thay đã đến khi khoảng 7 năm trở lại đây mô hình “Đưa cây màu xuống ruộng” của anh Nguyễn Minh Triều thành công, giúp cho nhiều thanh niên bám trụ lại quê hương để phát triển kinh tế, đời sống khấm khá hơn.

Do gia đình khó khăn, không có điều kiện đi học nên anh Triều dừng việc học khi vừa hết lớp 9 để phụ giúp cha mẹ. Nhớ lại vùng đất này trước đây, anh Triều nói: “Ở đây khó sản xuất vì đất bị nhiễm phèn, nước mặn quanh năm. Gia đình tôi có 1 ha đất trồng lúa 1 - 2 vụ/năm nhưng năng suất thấp chỉ khoảng 3 tấn/ha, trong khi chi phí đầu tư cao, thường bị lỗ. Hơn nữa, người dân phần lớn nghèo không có điều kiện cải tạo đất, nếu cải tạo cho đất tơi xốp, màu mỡ thì phải tốn hơn 50 triệu đồng/ha. Trước đây, các gia đình đã cố gắng đi tìm cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện vùng đất này nhưng đều thất bại. Từ đó, tôi quyết tâm học hỏi để tìm ra cây trồng phù hợp”.

“Toàn huyện có gần 50 ha cà chua, tập trung chủ yếu ở xã Hòa Minh. Mô hình đưa cây cà chua xuống ruộng và khắc phục được tình trạng thối trái của anh Triều là điểm sáng cho nông dân toàn huyện học tập”.

Ông Huỳnh Thanh Bảo, Cán bộ kỹ thuật
Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Châu Thành

Từ năm 2007, anh Triều tham gia thành viên nhóm “Nâng cao đời sống” để chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nông dân thoát nghèo bền vững và tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây cà chua do Trung tâm Khuyến nông huyện, tỉnh tổ chức.

Năm 2008, anh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh hỗ trợ 40% vốn để sản xuất và mạnh dạn vay ngân hàng chính sách huyện thêm 5 triệu đồng để đầu tư trồng 0,3 ha cà chua dưới chân ruộng. Vụ đầu anh thu nhập gần 30 triệu đồng. Thấy có năng suất, hiệu quả nên vụ sau anh phát triển lên trồng 0,5 ha.

Theo anh Triều, đặc tính của giống mới này là trái cứng, tròn, bóng đẹp và chịu được độ phèn, mặn. Thời gian từ trồng đến thu hoạch là khoảng 3,5 tháng, trung bình 1 cây sẽ cho 3 kg trái, với giá trung bình khoảng 5.000 đồng/kg thì thu nhập từ 50 – 80 triệu/ha.

Anh Triều cho biết thêm, để cà chua đạt năng suất cao thì 1 năm nên trồng 1 vụ rồi chuyển sang lúa hay cây hoa màu khác, tránh đất bị nhiễm bệnh, tạo màu mỡ.

Ông Huỳnh Thanh Bảo, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông – khuyến ngư huyện Châu Thành, cho biết trước đây nông dân canh tác chủ yếu sử dụng giống địa phương năng suất thấp, cà chua thường xuyên nhiễm bệnh, thối trái. Nhờ tính cần cù, kiên trì học hỏi nên sau khi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật anh Triều làm giống mới đạt năng suất cao, ổn định trong nhiều năm liền nên huyện lấy đó là mô hình điểm cho nông dân khác học hỏi.

Giúp 100 thanh niên thoát nghèo

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, năm 2010, anh Triều còn thành lập Tổ trồng màu ấp Long Hưng 2 do chính anh làm tổ trưởng để chia sẻ kinh nghiệm cho thanh niên trong ấp. Theo anh, ban đầu chỉ có vài thanh niên tham gia, thấy trồng có hiệu quả, dần thu hút được nhiều thanh niên khác.

Đến nay, sau gần 4 năm anh đã giúp gần 100 thanh niên ở trong và ngoài ấp về kỹ thuật và thoát nghèo. Anh Triều chia sẻ: “Cái khó nhất khi trồng cà chua là kỹ thuật bón phân, thuốc như: nếu lá cà chua bị bong vàng thì xịt thuốc amitta hoặc khi cây ra hoa, đậu trái dùng HQ 301 loại ống; còn trường hợp nếu bón phân không đúng, đủ sẽ dẫn đến tàng cây nhỏ, ít trái hoặc cây tàng lớn không ra trái…”.

Ông Huỳnh Thanh Bảo cho biết thêm, ở cù lao nhiễm mặn mà anh Triều khắc phục được tình trạng thối trái là điều không dễ vì trước đây 1 cây cà chua cho khoảng 30 trái thì có đến 25 trái bị thối. Lúc đó, nông dân không biết phải xoay xở để tìm cây gì cho phù hợp. Từ khi mô hình của anh Triều thành công đã giúp cho người dân nhiều về kỹ thuật.

Theo anh Triều, để tập hợp thanh niên mang lại hiệu quả bằng cách ngoài việc hằng tháng họp tổ một lần thì gặp nhau ở các đám tiệc trong xóm cũng là dịp để trao đổi kinh nghiệm.

Hiện tại, trên diện tích 1 ha của gia đình, anh sử dụng 0,5 ha mặt nước nuôi tôm, tép thiên nhiên, trên bờ trồng dừa, cỏ nuôi 4 con bò. Còn diện tích còn lại luân phiên trồng cà chua, ớt và hoa màu ngắn ngày khác. Từ các nguồn trên, năm 2013 anh thu nhập được hơn 200 triệu đồng.

Tháng 8/2014, anh Triều vinh dự được Trung ương Đoàn tặng danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tại Hà Nội.