Theo báo cáo hàng quý của Trung tâm Dữ liệu Nhân sự Quốc phòng hồi tháng 9, 1.720 binh lính Mỹ đang ở Syria, gấp 3 lần so với con số 503 binh sĩ mà các quan chức Lầu Năm Góc nói với phóng viên.
Dan Lazare, nhà báo bình luận chính trị kiêm tác giả người Mỹ, cảnh báo trên Sputnik, mặc dù phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders thừa nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria, nhưng không ai rõ mục tiêu của họ là gì; tuyên bố của bà Sanders chỉ khẳng định sự rối loạn và mâu thuẫn xung quanh chính sách của Mỹ tại đất nước Trung Đông.
Hiện tại, không tính khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, lực lượng “đối thủ” lớn nhất của Mỹ tại Syria là quân đội chính phủ, với sự hỗ trợ của Không lực Nga.
Quân đội Syria đang theo đuổi và loại bỏ các nhóm khủng bố ở thung lũng sông Euphrates, tỉnh Deir ez-Zor, và sẽ sớm giải phóng bờ phía tây, giúp hoàn thành chiến dịch đánh bại tàn dư của IS.
Tuy nhiên, Mỹ đã cảnh báo quân đội Syria không nên di chuyển qua Euphrates. Theo ông Lazare, Mỹ không muốn lực lượng mà họ hậu thuẫn đụng độ lực lượng Syria ở phía đông sông, vì điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tiếp tục can thiệp vào chiến sự ở đất nước Trung Đông.
Không chỉ vậy, một cuộc khủng hoảng khác có thể bùng nổ bất ngờ, khi Israel và Ả Rập Saudi, các đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực, cảm thấy bị kích động bởi sự hiện diện quân sự trực tiếp của Washington.
Trong khi đó, nhà triết học và bình luận chính trị của Đại học Louvain (Bỉ), giáo sư Jean Bricmont, cho rằng, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria phản ánh sự rối loạn, hơn là rõ ràng về mục đích của các nhà hoạch định chính sách ở Washington.
“Như thường lệ, người Mỹ không thể chấp nhận thất bại, đóng gói và về nhà, nhưng họ sẽ làm gì với những binh sĩ này?”, vị giáo sư đặt câu hỏi.
Lực lượng Mỹ tại Syria không đủ nhiều để tiến hành cuộc chiến tranh toàn diện chống lại quân đội chính phủ. Tuy nhiên, không ai dám tấn công trực tiếp họ, vì khả năng Mỹ lợi dụng “trả đũa” để đem quân vào rất cao, ông Bricmont phân tích.