Chiều 14/6, bà Lê Thị Châu, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk cho biết, đang đẩy mạnh tuyên truyền nguy cơ ngộ độc do ăn thịt cóc và nấm rừng cho người dân trên toàn tỉnh, trong đó tập trung các xã vùng sâu, vùng xa.
Theo bà Châu, đầu mùa mưa, cóc, nấm rừng sinh sôi, phát triển mạnh. Nhiều người, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất thích ăn những loại thực phẩm trên, do đó nguy cơ ngộ độc thực phẩm hiện hữu rất cao.
Mới đây nhất, ngày 12/6, trên địa bàn huyện Ea H’leo ghi nhận 6 người trong gia đình Êđê ở buôn Bia, xã Ea Hiao bị đau bụng, buồn nôn sau khi ăn nấm rừng. Trước đó (ngày 11/6) Bệnh viện Đa khoa huyên Cư M'gar tiếp nhận 3 cha con người Êđê (buôn Dhung, xã Ea Mdroh) bị ngộ độc sau khi ăn thịt cóc.
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar, rất may bệnh nhân nhập viện sớm bởi chất độc có trong thịt, trứng cóc rất nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Thực tế, những năm trước, Đắk Lắk từng ghi nhận nhiều vụ ngộ độc do ăn thịt cóc, nấm độc và đã có trường hợp tử vong.
Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk cho hay, thịt cóc rất giàu dinh dưỡng nhưng rất nguy hiểm nếu chế biến không đúng cách, vì trong thịt cóc có chứa hợp chất Bufotorin gây độc rất mạnh, nằm trong bộ phận da, trứng, gan.
Do đó, để không bị ngộ độc, chi cục khuyến cáo không nên ăn thịt cóc, nếu dùng thì phải chế biến thật kỹ và đúng cách: Cắt bỏ đầu dưới tuyến mang tai, cắt bỏ tứ chi, lột sạch lớp da, loại bỏ toàn bộ phần tạng; chú ý khi lột da phải lột dưới vòi nước chảy, rửa thật sạch trước khi chế biến.
Với nấm rừng, khả năng xảy ra ngộ độc ít hơn nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao, chi cục khuyến cáo người dân chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được; tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm dại kể cả nấm màu trắng, đặc biệt những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc; loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu…